Cách điều trị đau thắt lưng khi chơi quần vợt
+ Câu hỏi: Tôi mới chơi tennis, và chỉ chơi vào dịp cuối tuần. Tuy nhiên, tôi đang gặp phải vấn đề ở vùng thắt lưng với hiện tượng đau nhói thường xuyên xảy ra trong các buổi tập luyện, thi đấu. Xin được tư vấn từ bác sỹ về triệu chứng, cách điều trị? (Độc giả Nguyễn Mạnh Dũng, từ địa chỉ email: manhdung179@ ….).
+ Bác sỹ Lê Thanh Tùng - Trưởng khoa Ngoại Chấn thương Chỉnh hình và Tạo hình, Bệnh viện Thể thao Việt Nam:
Đau thắt lưng là một bệnh phổ biến nhất trong những bệnh lý cơ xương khớp. Bạn có thể bị đau thắt lưng khi tập thể dục hay chơi thể thao quá mức, nhất là trong trường hợp chơi thể thao không thường xuyên.
Triệu chứng thường gặp là đau âm ỉ hoặc đau nhói ở 1 hoặc 2 bên thắt lưng. Cơn đau khiến bạn khó khăn khi di chuyển hoặc đứng thẳng. Đau thắt lưng cấp xảy ra đột ngột. Đau thắt lưng kéo dài trên 3 tháng được coi là đau thắt lưng mạn tính.
Nếu cơn đau cấp của bạn không giảm dần sau 72h, bạn cần khám bác sỹ càng sớm càng tốt, đặc biệt khi có một trong số các triệu chứng: Tiểu tiện không tự chủ, yếu chân, đau tăng khi ho, hắt hơi, tê bì vùng sinh dục.
Việc chẩn đoán nguyên nhân đau thắt lưng cần sự kết hợp giữa các triệu chứng lâm sàng với chụp X – quang. Đôi khi cũng cần chụp cắt lớp hoặc cộng hưởng từ, để xác định mức độ tổn thương của đốt sống và đĩa đệm.
Các phương pháp điều trị đau thắt lưng chủ yếu có thể áp dụng gồm:
- Chườm nóng hoặc tắm nước ấm. Có thể giảm đau tạm thời đối với các trường hợp đau lưng do căng cơ, và kết hợp vận động càng sớm càng tốt thì các triệu chứng sẽ giảm rất nhanh.
-Tác động cột sống. Phương pháp này có hiệu quả với một số trường hợp căng cơ, thoát vị đĩa đệm ở mức độ nhẹ.
- Xoa bóp bấm huyệt. Phương pháp truyền thống rất có hiệu quả đối với hầu hết các trường hợp đau thắt lưng. Thêm vào đó, xoa bóp thường xuyên (1 lần/tuần) còn giúp khả năng vận động của cột sống thắt lưng được tăng cường.
- Châm cứu. Giống xoa bóp hay bấm huyệt, phương pháp này đã được nhiều nghiên cứu chứng minh trong việc giảm các triệu chứng của đau thắt lưng, cũng như phòng ngừa bệnh tái phát.
- Sử dụng thuốc giảm đau, thuốc giãn cơ.
- Tiêm ngoài màng cứng. Áp dụng đối với các bệnh nhân bị chèn ép rễ và dây thần kinh mức độ nặng. Tuy nhiên, phương pháp này tiềm ẩn rất nhiều biến chứng và chỉ được thực hiện bởi các bác sỹ chuyên khoa. Thuốc thường dùng là chống viêm giảm đau có chứa steroid.
- Phẫu thuật. Được chỉ định cấp cứu khi bệnh nhân bị đau thắt lưng có hội chứng đuôi ngựa (tê bì vùng sinh dục, yếu chân, đi tiểu không tự chủ…) hoặc khi bệnh nhân đã điều trị nội khoa nhưng không có kết quả.
- Vật lý trị liệu. Ví dụ: Chạy điện phân, đắp nến, các bài tập tăng cường sức mạnh cơ bắp có thể giúp giảm các triệu chứng đau thắt lưng và hạn chế tái phát.