Chấn thương của Duy Mạnh nặng hay nhẹ?
Bác sĩ Nguyễn Trọng Hiền, trưởng phòng y học thể thao, trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia Nhổn, người trực tiếp thăm khám và chuẩn đoán vết thương của Duy Mạnh cho biết: “Cậu ấy bị dập sụn xương sên sau khi giẫm hụt vào hố trên sân ở trận đấu gặp Iraq vừa qua. Lẽ ra chấn thương này không quá phức tạp nhưng do Mạnh vẫn cố gắng thi đấu khiến tình trạng trở nên nặng hơn và cần nhiều thời gian để hồi phục”.
Chấn thương xương sên là gì?
Xương sên là loại xương nhỏ ở phần cổ chân, nằm giữa xương chày và xương bàn chân. Cùng với đầu xa của xương chày và xương mác, xương sên là 3 thành phần cấu tạo nên khớp cổ chân. Xương sên là một xương dị thường trên cơ thể con người do những cấu tạo đặc biệt của nó. Bề mặt xương sên có tới xấp xỉ 60% sụn khớp bao phủ và chẳng có gân hay cơ nào trực tiếp bám vào nó.
Việc gặp chấn thương này phụ thuộc vào các hoạt động liên quan trực tiếp tới vùng cổ chân. Trong một số trường hợp, việc tổn thương dây chằng xung quanh khu vực này cũng có thể dẫn đến chấn thương sụn xương sên, khi chức năng của dây chằng đã bị ảnh hưởng. Người gặp chấn thương xương sên sẽ thấy khó khăn khi vận động. Vùng cổ chân có thể bị sưng tấy, khó cử động khớp cổ chân linh hoạt.
Quay trở lại với chấn thương của Duy Mạnh. Theo bác sĩ Nguyễn Trọng Hiền thường có 4 cấp độ tổn thương. Cấp độ thấp nhất là 0, với các trường hợp chỉ bị đau nhẹ, triệu chứng không rõ ràng, không thể phát hiện qua chụp cộng hưởng từ.
Ở cấp độ 1-2, người gặp tổn thương sẽ thấy khó khăn hơn khi hoạt động, vùng tổn thương phải chịu tải. Việc chụp cộng hưởng từ lúc này đã phát hiện ra những điều bất thường. Với cấp độ 2-3, các hoạt động của người gặp chấn thương rất khó khăn và gần như chống chân, chịu tải cơ thể.
Chấn thương của Duy Mạnh thuộc cấp độ 3 - 4, khi mà vùng sụn đã bị tổn thương nặng. Kết quả chụp cộng hưởng từ cho thấy vùng sụn khớp đã bị bóc tách. "Chấn thương này hoàn toàn là do tai nạn", bác sĩ Hiền nhấn mạnh.
Điều trị loại chấn thương này như thế nào?
Bác sĩ Hiền cho biết: “Những trường hợp nhẹ cấp độ 0-1, thường người bị chỉ mất khoảng 1 tuần là có thể hoạt động bình thường. Nặng hơn thì người gặp chấn thương cần tránh hoạt động, để vùng tổn thương nghỉ ngơi để nó tự lành.
Với trường hợp của Duy Mạnh, cần chờ ít nhất 1 tháng mới có thể chuẩn đoán khả năng hồi phục đến đâu. Trong thời gian này cần tránh tối đa việc hoạt động của vùng gặp chấn thương. Trong trường hợp xấu nhất, Duy Mạnh sẽ phải tiến hành phẫu thuật như các đàn anh Anh Đức và Văn Quyến trước đây. Các bác sĩ sẽ tiến hành cấy ghép hoặc tiêm kích tích nguồn máu cung cấp tới vùng tổn thương”.
Với những ca chấn thương này, bác sĩ Hiền đưa ra lời khuyên hạn chế đi lại, cử động, tránh làm tổn thương thêm dẫn tới việc điều trị khó khăn. Việc bó bột là không cần thiết. “Duy Mạnh cũng chỉ bó bột trong 1 tuần, sau đó có thể tháo ra và đi lại bằng nạng”, ông nói.
Việc điều trị về cơ bản là thế. Nhưng với Duy Mạnh, anh còn gặp thêm phần khó khăn do bị dị ứng với các loại thuốc điều trị chấn thương. Theo bác sĩ Hiền, hiện tại Duy Mạnh vẫn chưa thể dùng thuốc kích thích sụn phát triển. Đến đầu tuần tới, cầu thủ này sẽ được tiêm trực tiếp vào vùng cổ chân. “Sau đó khoảng 1 tháng, khả năng phục hồi sẽ được chuẩn đoán. Khi đó, Duy Mạnh sẽ nhận được những chỉ dẫn tiếp theo”, bác sĩ Hiền cho biết.