Chấn thương đứt dây chằng cổ chân của Công Thuận được chữa như thế nào?
Sau 2 tháng mới biết đứt dây chằng
Lãnh trọn cú đạp của đối phương vào cổ chân trong chuyến làm khách tại Ninh Bình ở vòng 25 V.League 2011, Công Thuận bị đau nơi cổ chân nhưng anh chỉ nghĩ chấn thương ở mức độ nhẹ. Đến vòng cuối gặp B.Bình Dương, Công Thuận phải ngồi ngoài vì cổ chân vẫn còn đau.
Sau khi mùa giải 2011 kết thúc, Công Thuận vẫn không hay biết dây chằng cổ chân đã bị đứt nên mất đến 2 tháng sau mới lên TP.HCM nhờ bác sĩ Trương Công Dũng mổ và điều trị vật lý phục hồi.
“Lúc đá xong tôi vẫn chưa biết mình bị đứt dây chằng. Đến thời điểm tập trung trước mùa bóng mới, tôi bị đau nặng hơn nên CLB đưa lên TP.HCM khám cổ chân. Lúc đó, tôi mới biết dây chằng cổ chân đã bị đứt và phải mổ để nối lại.
Tôi được mổ lấy dây chằng từ đầu gối để nối lại. Tổng chi phí hơn 100 triệu do CLB chi trả cho tôi. Và tôi phải tự tập phục hồi mất 4 tháng để có thể chạy nhảy bình thường”, Hoàng Công Thuận chia sẻ.
Theo tiền vệ của CLB Đồng Tháp, 20 ngày đầu tiên sau ca phẫu thuật thì anh được nghỉ ngơi hoàn toàn. Sau đó, Công Thuận bắt đầu tập co duỗi, đạp xe đạp, bơi. Sau 2 tháng, Công Thuận bắt đầu chạy nhẹ và tâng bóng. Tháng thứ 3, tiền vệ này có thể thạy và xoay sở với bóng và hồi phục khoảng 85% sau tháng thứ 4.
Trong suốt 4 tháng tập luyện, Công Thuận phải tự phục hồi và tăng lên đến 4kg. Dẫu vậy, tiền vệ này đã không hề tái phát chấn thương trong suốt 5 năm qua. Điều ấy cho thấy Công Thuận đã có thể tự phục hồi rất tốt.
Chấn thương đứt dây chằng cổ chân là thế nào?
Trao đổi với Webthethao.vn, người trực tiếp chữa trị chấn thương đứt dây chằng cổ chân cho Công Thuận - bác sỹ Trương Công Dũng (Hội nội soi cơ xương khớp TP.HCM) đã có những chia sẻ về các mức độ tổn thương cổ chân và cách chữa trị.
“Lúc Công Thuận gặp tôi thì cầu thủ này đã chạy không được nên phải chụp MRI và phát hiện lỏng cổ chân, riêng dây chằng nằm ở mắt cá phía trước đã đứt hoàn toàn rồi.
Trường hợp của Thuận cũng giống như nhiều cầu thủ trên thế giới vẫn thường dính phải. Chúng ta cần phục hồi lại sợi dây chằng bị đứt thì cầu thủ mới có thể chạy và giữ thăng bằng được.
Sau khi mổ phục hồi khoảng 4 tháng, Công Thuận có thể chạy và thi đấu được rồi. Trường hợp đứt dây chằng cổ chân rất dễ xảy ra khi cầu thủ mất thăng bằng sẽ bị lật cổ chân”, bác sỹ Trương Công Dũng nói về chấn thương của Công Thuận.
Lý giải về dạng chấn thương mà Công Thuận đã dính, bác sỹ Dũng nói: “Có ba mức độ gồm: Mức độ 1 bị lật cổ chân nhẹ thì chườm đá khoảng 1 tuần sẽ hết. Mức độ 2 sẽ rách dây chằng khoảng 25%-50%, có thể bị bầm bên ngoài và đi lại rất đau. Chúng ta cần chườm đá và băng lại, ngưng chạy nhảy khoảng 1 tháng – 1,5 tháng.
Riêng mức độ 3 là rách khoảng 75% - 100%, tức đứt hoàn toàn và cổ chân bị lỏng. Mức độ này phải mổ và phục hồi chức năng”.
Chấn thương cổ chân là một trong những trường hợp rất dễ dính trong bóng đá. Đối với BĐVN, không chỉ là xảy ra từ các pha va chạm trên sân hay lúc tập luyện mà còn xuất phát từ chuyện hầu hết các sân bóng đều có mặt sân rất xấu. Thế nên các cầu thủ thường xuyên bị dính chấn thương cổ chân.
Hoàng Công Thuận đang chơi ở vị trí tiền vệ cho đội chủ sân Cao Lãnh. Anh là một trong những tài năng của bóng đá Đồng Tháp. Năm 11 tuổi, Công Thuận nghỉ ngang niềm đam mê đá bóng do gia đình muốn con theo con đường học vấn. Sau khi thi đỗ trường chuyên Đồng Tháp vào năm lớp 10, Công Thuận xin ba cho đi đá bóng và bắt đầu mối nhân duyên với bóng đá cho đến ngày hôm nay.