Chris Mosier: Tấm gương vượt khó của người chuyển giới
Bên ngoài đường đua cuộc thi 2 môn phối hợp, một ai đó hét lên: “Kia là con trai hay con gái vậy?” khi thấy Chris Mosier thi đấu.
“Tôi không nhớ điều đó bắt đầu xảy ra từ khi nào”, Mosier nói về việc phải chịu đựng những bình luận kiểu như vậy trong suốt sự nghiệp: “Kể cả từ trước hay sau khi phẫu thuật, tôi vẫn đều nghe được những lời lẽ như thế khi đang trên đường đua”.
“Rất may khi không phải ai cũng như vậy, dù tôi cũng không ngạc nhiên nếu điều đó tiếp tục diễn ra. Cứ mỗi lúc nghe thấy, tôi đều thấy đau đớn. Nhưng trong một xã hội định hướng mọi thứ như hiện này, đó là thử thách mà tôi phải vượt qua”.
“Định hướng” và “thử thách” mà VĐV 35 tuổi này đề cập đến, là xóa bỏ sự phân biệt của cộng đồng đối với những người có định nghĩa giữa nam và nữ khác truyền thống.
Và những nỗ lực đòi quyền bình đẳng của Mosier đã phần nào được đền đáp. Tháng trước, bộ phận phục trách y tế của Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) đã cho phép những người chuyển giới đủ quyền tranh tài tại Thế vận hội mà không phải tham gia bất cứ cuộc điều trị nào. Đây là quyết định rất có ý nghĩa đối với người chuyển giới bởi trước đó, nếu muốn thi đấu tại Olympic, những VĐV này phải trải qua các cuộc điều trị nội tiết tố bằng phẫu thuật và thuốc men ít nhất 2 năm.
Mặc dù không thể xuất hiện ở Olympic Rio 2016 vì nội dung 2 môn phối hợp không có trong chương trình thi đấu nhưng Mosier vẫn cảm thấy hạnh phúc: “Tôi sẽ không đến Rio nhưng cũng ổn thôi. Tôi cảm thấy vui khi điều này sẽ giúp các VĐV trẻ tự tin thể hiện mình hơn. Cơ hội để đến Olympic đã rộng mở miễn là họ có đủ tài năng”.
Trong cộng đồng LGBT (tên viết tắt của Cộng đồng những người đồng tính luyến ái nữ - Lesbian), đồng tính luyến ái nam - Gay, song tính luyến ái - Bisexual và Hoán tính hay còn gọi là Người chuyển giới -Transgender), Chris Mosier là một trong những VĐV xuất sắc nhất.
Mosier được tạp chí nổi tiếng trong cộng đồng LGBT, Compete Magazine bầu chọn là VĐV của năm 2013 và có tên trong danh sách 40 under-40 của Advocate Magazine - “Forbes của người chuyển giới” vào năm 2012. Trước đó nữa, vào năm 2011, Mosier được mời đến thăm Nhà trắng vì những nỗ lực của anh với cộng đồng LGBT. Mới đây nhất, Mosier đã giành được HCB tại Gay Games - cuộc thi dành cho những người đồng tính nam.
“Tôi không bao giờ dám tưởng tượng cuộc đời mình lại được như ngày hôm nay”, Mosier thừa nhận: “Thật tuyệt vời khi chứng kiến sự thay đổi, từ lúc bị khinh rẻ đến khi được hưởng đầy đủ các quyền như người bình thường”.
Hồi còn nhỏ, cô bé Mosier đã sớm đặt ra những câu hỏi về sự khác biệt của mình so với những người khác: “Trẻ em có bản năng nhận thức được thực sự mình là ai dù mới ít tuổi”, Chris Mosier thường được mời đến trường học để nói chuyện, chia sẻ và đưa ra lời khuyên với những trẻ em vẫn còn những khúc mắc về giới tính của mình.
“Tôi yêu thể thao và trượt ván từ sớm. Tôi nhớ rõ có nhiều người nói “một bé gái thông thường sẽ không làm như vậy”. Tôi nhận thức được vấn đề từ khi đó với một hình ảnh đã khắc sâu vào tâm trí”.
“Tôi chưa bao giờ được coi như một người con gái thật sự. Tôi đã đấu tranh với suy nghĩ “không phải đàn ông những cũng không cảm thấy là phụ nữ” trong suốt một thời gian dài”.
Cuối cùng, đến năm 2010, Mosier quyết định phẫu thuật chuyển giới thành giới tính nam. Đã xuất hiện những nỗi sợ về việc chuyển giới sẽ khiến sức khỏe của Mosier yếu đi và quan trọng hơn, khiến cho mối quan hệ của anh với cô vợ Zhen, gia đình và bạn bè không được gắn bó như xưa.
Tuy nhiên, mọi thứ hoàn toàn ngược lại. Trong thể thao, Chris Mosier vẫn có thể cạnh tranh sòng phẳng với những VĐV nam khác, còn với người vợ, chính Mosier thừa nhận sự động viên của Zhen đã giúp anh “trở thành một VĐV, một người chồng tốt hơn”.
Con đường phía trước còn rất gian nan với người chuyển giới nhưng với những gì đã làm được cho cộng đồng, Chris Mosier đã là một người hùng.