Hoạt động thể thao dưới nắng nóng cẩn trọng bị sốc nhiệt
>>> Kiểm tra y tế từng "cứu" một cựu trợ lý FIFA của Việt Nam
>>> Sốc nhiệt - "Thủ phạm" từng khiến nhiều VĐV và cầu thủ nguy kịch
>>> Dân chạy bộ nói gì về hiện tượng sốc nhiệt?
Nhiều người đam mê thể thao có lẽ đã nghe về hiện tượng sốc nhiệt nhưng không phải ai cũng nắm được rõ tình trạng cũng như cách phòng tránh.
Webthethao từng tổ chức buổi talkshow về vấn đề này với sự tham gia và chia sẻ những thông tin hữu ích, cách phòng tránh sốc nhiệt của bác sỹ Đinh Linh (Viện tim mạch quốc gia, bệnh viện Bạch Mai), bác sỹ Nguyễn Trọng Thủy (bác sỹ chính của ĐTQG và U23 Việt Nam) cùng Ironman Đặng Ngọc Lâm.
Video: Nguyên nhân và cách phòng tránh sốc nhiệt trong hoạt động thể thao.
Bác sỹ Thủy mô tả chi tiết về nguyên nhân của hiện tượng này: "Cơ thể chúng ta cần các nguồn năng lượng phục vụ cho hoạt động cơ cũng như chuyển hóa cơ bản. Năng lượng này hầu hết sinh nhiệt và với điều kiện môi trường nắng nóng, độ ẩm cao thì thoát nhiệt khó khăn".
"Đến khi lượng nhiệt sinh ra vượt quá ngưỡng chức năng điều hòa thân nhiệt của cơ thể thì nhiệt độ có thể tăng từ 40 đến 42 độ C và cao hơn nữa".
Ông nhấn mạnh vào các nhóm đối tượng dễ gặp phải sốc nhiệt nhất: "Tình trạng sốc nhiệt này thường xảy ra ở người già, trẻ nhỏ, những người mắc bệnh tim mạch hay những người bị rối loạn một số chuyển hóa, một số bệnh về nội tiết hay những người bị suy kiệt".
Bác sỹ Đinh Linh bổ sung thêm: "Về nguyên tắc thì sốc nhiệt trong môi trường lạnh cũng có thể xảy ra được. Con người mình hơn những loài động vật khác là có khả năng thoát mồ hôi".
"Con người nếu hoạt động quá sức, tốc độ toát mồ hôi chậm hơn tốc độ sinh nhiệt thì rõ ràng nhiệt độ cơ thể sẽ tăng lên. Như cái máy anh hoạt động quá nhiều thì sẽ nóng lên thôi. Thời tiết càng mát thì máy của mình tự động được làm mát, còn thời tiết nóng thì nguy cơ cao hơn".
Ironman Đặng Ngọc Lâm cũng từng bị "sốc nhiệt" vào tầm đầu tháng 4/2017 khi thời tiết vẫn khá mát mẻ. Anh cho biết bản thân đã phải điều trị ở bệnh viện trong 2 tháng, trong đó, 1 tháng đầu trong tình trạng hôn mê. Mới đây, một trợ lý trọng tài bóng đá của Việt Nam cũng đã qua đời vì bị sốc nhiệt khi tiến hành kiểm tra thể lực vào đầu tháng 4/2018.
Đối với những người tham gia thể thao, bác sỹ Linh cho rằng những người béo có khả năng bị sốc nhiệt cao hơn bình thường. Bên cạnh đó, trang phục tập luyện thoát nhiệt kém cũng là nguyên nhân ảnh hưởng hàng đầu.
"Chúng ta thải nhiệt qua đường da. Với người béo, lượng cơ thải nhiệt ra nhiều hơn trên một diện tích da nhất định. Người cao cao lượng da cũng tương đương vậy nhưng lượng cơ lại ít hơn. Béo cũng là một trong những nguy cơ dẫn đến sốc nhiệt. Thứ hai, trang phục không có khả năng thoát nhiệt tốt cũng tăng nguy cơ sốc nhiệt", ông chia sẻ.
Ngoài lý do kể trên, yếu tố chính dẫn đến sốc nhiệt nằm ở việc bổ sung không kịp thời nước vào cơ thể. Điều này được bác sỹ Thủy phân tích: "Lượng nước làm mát thoát đi theo đường mồ hôi. Ngoài ra, nước và điện giải vô cùng quan trọng trong sinh hoạt lẫn chuyển hóa ở cơ thể con người. Tất cả hoạt động đều cần đến nước, phải có nước và điện giải mới có thứ để tản nhiệt".
"Trung bình nước thoát khỏi cơ thể 1% tương đương với việc giảm sức hoạt động của cơ là 10%. Nếu như trọng lượng cơ thể giảm đột ngột 5 – 10% là có thể dẫn đến trụy tim mạch rồi".
Video: Talkshow Sốc nhiệt trong thể thao.
Sốc nhiệt là gì?
Dân gian thường gọi bằng những từ dân dã như say nắng, say nóng. Sốc nhiệt là hình thức tổn thương cao nhất do nhiệt. Nhẹ là say nắng, say nóng, nặng hơn là kiệt sức do nhiệt và nặng nhất là sốc nhiệt.
Định nghĩa về sốc nhiệt là nhiệt độ trung tâm cơ thể cao quá 40 độ C kèm theo có rối loạn chức năng thần kinh TW. Nhẹ sẽ mất định hướng, rối loạn tri giác, nặng thì hôn mê. Thống kê cho thấy đây là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở những người bình thường tập luyện thể thao.
Với các VĐV chuyên nghiệp, vẫn có khả năng xảy ra. Một trong những nguy cơ của sốc nhiệt là khi nền tảng thể lực càng kém thì càng dễ xảy ra. Một người càng ít luyện tập trong điều kiện khác nhau thì khả năng thích nghi của cơ thể kém hơn. Xác suất bị sốc nhiệt ở người bình thường tập luyện thể thao thì cao hơn VĐV chuyên nghiệp.