Văn Lâm đầu quân cho Muangthong United và câu hỏi khi nào cầu thủ được quyền giải phóng hợp đồng?
Bức ảnh Văn Lâm với chiếc áo đấu của CLB mới Muangthong United được chia sẻ chóng mặt trong 24h giờ qua. Người đại diện của Lâm "tây", Andrey Grushin tiết lộ: “Hợp đồng đã được hoàn tất. Đặng Văn Lâm sẽ chuyển sang Thái Lan thi đấu. Số tiền chuyển nhượng cụ thể sẽ được tiết lộ sau khi hợp đồng chính thức được công bố tại lễ ra mắt và ký hợp đồng ở Bangkok sau Asian Cup 2019”.
Rõ ràng, thủ môn của CLB Hải Phòng và ĐT Việt Nam không chỉ tạo nên một vụ chuyển nhượng ồn ào, với danh tiếng của anh, mà còn cả vì mức phí giải phóng hợp đồng "khủng".
Được biết, hợp đồng của thủ thành đội tuyển Việt Nam với CLB Thái Lan có thời hạn 3 năm và Văn Lâm sẽ nhận mức lương 10.000 USD/tháng.
Đặc biệt, để giải phóng 1 năm hợp đồng còn lại với CLB Hải Phòng, theo thông tin ban đầu, CLB Muangthong United đã phải chi tới 500.000 USD , tương đương khoảng 11,6 tỷ đồng, chứ không phải 3 tỷ hay 6 tỷ như đồn thổi trước đó.
Chắc chắn, con số cụ thể, chính xác, của vụ chuyển nhượng "bom tấn" của bóng đá Việt Nam sẽ sớm được hé lộ. Và hẳn nhiều CĐV cũng thắc mắc, muốn tìm hiểu rõ hơn việc khi nào một cầu thủ có thể tự giải phóng hợp đồng, hay mức phí đền bù hợp đồng được quy định thế nào theo luật?
Câu hỏi 1. Cầu thủ có được phép đàm phán chuyển nhượng sang CLB khác, khi vẫn còn hợp đồng với CLB chủ quản?
Hiện tại, pháp luật về thể thao chưa có quy định chung về việc chuyển nhượng cầu thủ. Tuy nhiên, đối với bóng đá, các cầu thủ được phép chuyển nhượng câu lạc bộ khi vẫn còn hợp đồng lao động với câu lạc bộ chủ quản. Việc chuyển nhượng cần tuân theo các quy định của Quy chế bóng đá chuyên nghiệp sửa đổi bổ sung 2015.
Chuyển nhượng cầu thủ được hiểu là thỏa thuận giữa hai câu lạc bộ và cầu thủ tại thời điểm hợp đồng lao động bóng đá chuyên nghiệp của cầu thủ còn hiệu lực, theo đó bên chuyển nhượng là câu lạc bộ còn hợp đồng lao động với cầu thủ chuyển giao quyền ký hợp đồng lao động với cầu thủ cho bên nhận chuyển nhượng là câu lạc bộ mới. Câu lạc bộ nhận chuyển nhượng phải trả tiền cho câu lạc bộ chuyển nhượng theo thỏa thuận.
Khoản 6 Điều 16 Quy chế bóng đá quy định về quyền lợi và trách nhiệm của cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp như sau:
“Được quyền chuyển nhượng trong nước và quốc tế theo Quy chế này và phù hợp với các quy định của FIFA, AFC, LĐBĐVN và luật pháp Việt Nam. Chỉ có các cầu thủ chuyên nghiệp trên 18 tuổi mới được quyền chuyển nhượng quốc tế. Trường hợp các câu lạc bộ, cầu thủ tham gia chuyển nhượng quốc tế thì phải thực hiện quy định về chuyển nhượng của LĐBĐVN và các tổ chức bóng đá quốc tế”.
Trên đây là các nội dung tư vấn chung nhằm mục đích hỗ trợ, cung cấp thông tin tham khảo. Trong từng trường hợp, cần có sự nghiên cứu, tư vấn cụ thể. Đơn vị tư vấn không chịu trách nhiệm về bất kỳ rủi ro hay thiệt hại nào phát sinh cho bất kỳ bên nào sử dụng thông tin cung cấp mang tính tham khảo tại đây.
Câu hỏi 2. Khi nào cầu thủ được phép chủ động giải phóng hợp đồng của mình với CLB chủ quản và mức phí đền bù được quy định thế nào?
Nếu cầu thủ muốn giải phóng hợp đồng của mình với câu lạc bộ chủ quản thì cần tuân theo các quy định trong hợp đồng đã ký kết giữa các bên (phù hợp với quy định của pháp luật) hoặc theo điều kiện về lý do và thời gian chấm dứt tại Điều 37 - Bộ Luật Lao động số 10/2012/QH13 ngày 18/06/2012 quy định về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng và Điều 18 - Chấm dứt hợp đồng lao động bóng đá chuyên nghiệp củaquy chế bóng đá chuyên nghiệp sửa đổi bổ sung 2015 nếu là cầu thủ bóng đá.
Trong trường hợp cầu thủ chấm dứt hợp đồng trái pháp luật hoặc không có lý do chính đáng thì có thể phải chịu các hình thức xử lý quy định tại Điều 43, Nghĩa vụ của người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật (Bộ Luật Lao động) và nếu là cầu thủ bóng đá thì họ bị áp dụng các điều khoản sau:
Khoản 4 Điều 18 của quy chế bóng đá chuyên nghiệp có quy định hậu quả của việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn không có lý do chính đáng:
“Nếu hợp đồng chấm dứt không có lý do chính đáng những điều khoản sau sẽ được áp dụng:
a) Trong mọi trường hợp, bên đơn phương chấm dứt hợp đồng sẽ phải bồi thường theo các quy định của hợp đồng và quy định có liên quan, trừ khi hai bên có thỏa thuận khác. Mức bồi thường phá vỡ hợp đồng được tính toán trên cơ sở những quy định của pháp luật Việt Nam về lao động, Quy chế này và các yếu tố khách quan khác, bao gồm: tiền công và những lợi ích khác mà cầu thủ được hưởng theo hợp đồng, thời gian còn lại của hợp đồng, các khoản phí và khoản phải chi do câu lạc bộ đã trả hoặc phải chịu. Quyền được hưởng bồi thường không thể được chuyển nhượng cho bên thứ ba. Nếu cầu thủ phải trả tiền bồi thường, cầu thủ và câu lạc bộ mới của cầu thủ phải cùng chấp hành nghiêm chỉnh nghĩa vụ trả tiền. Mức bồi thường có thể được quy định trong hợp đồng hoặc thống nhất giữa các bên;
b) Ngoài nghĩa vụ trả tiền bồi thường, bất kỳ câu lạc bộ, cầu thủ nào đơn phương chấm dứt hợp đồng không có lý do chính đáng còn có thể phải chịu các hình thức kỷ luật theo Quy định về kỷ luật của LĐBĐVN.”
“Điều 79. Chấm dứt hợp đồng không có lý do chính đáng - Quy định về kỷ luật của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (sửa đổi, bổ sung 2018)
CLB, đội bóng, cầu thủ đơn phương chấm dứt hợp đồng không có lý do chính đáng, ngoài nghĩa vụ phải bồi thường phá vỡ hợp đồng có thể bị kỷ luật như sau:
1. Đối với cầu thủ: bị đình chỉ hoặc bị cấm thi đấu trong các trận đấu chính thức ở CLB, đội bóng mới ít nhất 04 tháng. Thời gian kỷ luật có thể không được tính trong thời gian nghỉ thi đấu hoặc giữa các mùa giải.”
Trên đây là các nội dung tư vấn chung nhằm mục đích hỗ trợ, cung cấp thông tin tham khảo. Trong từng trường hợp, cần có sự nghiên cứu, tư vấn cụ thể. Đơn vị tư vấn không chịu trách nhiệm về bất kỳ rủi ro hay thiệt hại nào phát sinh cho bất kỳ bên nào sử dụng thông tin cung cấp mang tính tham khảo tại đây.