Vượt ngục: Kết hợp Game và Thể thao
Từ trò chơi trực tuyến…
Khởi nguồn từ đất nước Hungary, nơi có những fan cuồng với game giải đố cũng như game nhập vai, trò chơi điện tử nhập vai có tên là “Escape the Room” là một trong những thể loại (sub-genre) rất được ưa chuộng.
Người chơi sẽ phải tìm kiếm những đồ vật được cho là ẩn giấu thông điệp để giúp họ thoát khỏi căn phòng ảo, và xâu chuỗi những bằng chứng đó để tìm ra mật mã giúp họ chiến thắng màn chơi. Điều này yêu cầu người chơi cần có khả năng tư duy logic cao, cũng như việc ghi nhớ tốt.
Chính vì thế, đây dường như là những thử thách đáng để thưởng thức nhất trong vô số những thể loại game giải đố đang có mặt trên thị trường hiện nay.
Dĩ nhiên, trong những tựa game “Escape the Room”, yêu cầu thắng cuộc không phải lúc nào cũng là phải thoát được khỏi một căn phòng định sẵn. Thêm vào đó, các nhà làm game cũng đưa vào các sản phẩm của họ rất nhiều những câu đố với mức độ khó cũng như cách giải khác nhau, từ đó cuốn hút game thủ hơn, không gây nhàm chán như một hầm mộ, một mê cung, …
Trong số những game dạng Escape the Room, điển hình phải kể tới loạt trò chơi trên điện thoại có tên là The Room với ba phần đã ra mắt từ cuối năm 2015 hay Crimson Room (do Toshimitsu Hakagi, Nhật Bản thiết kế).
…Đến phiên bản đời thật
Khởi đầu, chỉ có hai nơi có thể chơi trò “Escape The Room” ngay trong đời thực được đặt tại thành phố New York (Mỹ) và thủ đô Helsinki (Phần Lan) thì nay, “Escape The Room” phiên bản đời thực đã xuất hiện khắp mọi nơi trên thế giới. Ở Hà Nội có đến 5 CLB chơi còn trong TP.HCM thì có rất nhiều.
Hoàng Minh, sinh viên trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết: “Thay vì chơi một mình trong thế giới ảo, tự mình giải đố và thoát khỏi không gian bí ẩn ảo thì trên thực tế, trò chơi được chơi theo nhóm từ 2 đến 6 người. Một đội (team) chơi sẽ được đặt trong những căn phòng với đầy những câu đố được những người quản lý và quản trò sắp đặt sẵn, thời gian rất hạn chế để phát huy tối đa trí tuệ tập thể, thử thách sự đoàn kết, nhất trí và khéo léo của cả đội. Hạn chế thời gian cũng đảm bảo cho dây thần kinh của người chơi căng như dây đàn. Chơi khá mệt nhưng rất vui”.
Người chơi sẽ phải sử dụng tư duy cũng như làm việc nhóm để giải quyết những câu đố trong những căn phòng như thế này. Điểm đặc biệt là không có căn phòng nào giống nhau. Số lượng, độ khó cũng như cách đưa ra những câu đố hoàn toàn phụ thuộc vào quản trò.
Nhanh tay, lẹ mắt và tinh thần thép
Game nhập vai thực tế thoát khỏi phòng kín (Escape the room) xuất hiện tại Hà Nội và TP.HCM mới chỉ từ cuối năm 2014 và đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ giới trẻ.
Mỗi trung tâm có từ 3-4 phòng chơi thường xuyên thay đổi cấu trúc, hấp dẫn người chơi bằng những bí quyết riêng, câu hỏi riêng và nhạc ma quái độc đáo. Những “căn phòng” được bài trí và sắp đặt với mục đích đánh đố những người đến chơi tìm ra mật mã để thoát khỏi căn phòng, hoặc giải quyết một số tình huống nhất định mà “người quản trò” (game master) đưa ra trước khi họ bắt đầu cuộc chơi trong vòng 60 phút.
CLB DECODE hay We Escape, Locked, 5DCode là những trung tâm “hot” hiện nay. BreakOut 3 thì có các phòng chơi có tên Maze Runner, Resident Evil và Dracula; We Escape thì cuốn hút bằng phòng Appocalypse, Ocean Eight và The Evil Within; Loked Hà Nội có phòng Upside Down, Mission Impossible và Da Vinci Code; 5D Code thì có Inescapable, Shinichi Kudo và Fear Clinic.
Thu Minh, học sinh cấp 3 trường PTTH Kim Liên (Hà Nội) cho biết: “Thường em nghiện chơi online. Nên trò này trong hiện thực có ở Hà Nội là em đã cùng bạn bè đi gần hết. Công nhận là rất “phê’, cảm giác căng thẳng hơn nhiều. Mỗi phòng chơi như một không gian thu nhỏ tái hiện lại toàn bộ chủ đề của trò chơi: Những lăng mộ kì bí của Ai Cập cổ đại, những gian nhà tù với song sắt kiên cố và hệ thống khóa mã tinh vi, cho đến gian hội chợ kì quái và nhà máy bỏ hoang rùng rợn….
Mỗi phòng chơi lại đem tới mỗi trải nghiệm đầy sống động khi phải đối mặt những thử thách, khó khăn và thực sự bị nhốt trong một căn phòng kín mít cùng với duy nhất một chiếc đèn pin nhỏ, nhạc khá “điên loạn”.
Trò chơi bắt đầu, người chơi sẽ phải tìm manh mối quanh căn phòng, hay giải một câu đố được đặt sẵn trong phòng để tìm ra mật mã mở cửa và thoát ra ngoài, không những phải vượt qua những câu đố hóc búa để thoát ra khỏi phòng mà còn phải hành động tương tác như bò, trèo, vượt chướng ngại vật… và phải phối hợp ăn ý với các đồng đội.
Nhiều người nghĩ đây chỉ là một trò chơi, nhưng với các chuyên gia, đây là một loại hình thể thao trí tuệ, tập thể thao cho… dây thần kinh.