Ngày "đèn đỏ", phụ nữ có nên chạy bộ không?
Mỗi khi "đến tháng", phái đẹp cảm thấy bối rối đắn đo khi tập luyện thể dục thể thao. Trong những ngày "đèn đỏ", chị em có nên nghỉ hay tiếp tục tập chạy bộ?
Một điều bất lợi của phụ nữ so với nam giới khi tham gia chạy bộ chính là thời gian diễn ra chu kỳ kinh nguyệt. Những biểu hiện khó chịu luôn khiến phái đẹp phải băn khoăn lo lắng “đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên” thay vì tự tin theo các bài tập như mọi khi. Trong những ngày “đèn đỏ” có nên chạy bộ hay không là câu hỏi phổ biến của nhiều chị em.
Tại SEA Games 29 vừa qua, đoàn thể thao Việt Nam lẽ ra đã có thể có tấm HCV đầu tiên ở môn điền kinh nếu như nữ VĐV marathon không gặp sự cố. Do ở trong những ngày nhạy cảm của phụ nữ nên Hoàng Thị Thanh chỉ giành HCB. Nhưng dẫu sao, Hoàng Thị Thanh không hề "đuối" trong ngày "đèn đỏ" mà cô vẫn thừa sức chạy vượt qua các đối thủ còn lại.
Kathrine Switzer (người phụ nữ đầu tiên trên thế giới chạy Boston Marathon có bib) từng mặc tất len màu đen bên trong quần chạy bởi vì sợ “chuyện ấy” xảy ra trên đường chạy. Cách đây 2 năm, nữ VĐV Kiran Gandhi đã gây chú ý ở giải London Marathon khi cô chạy và hoàn thành cự ly 42km khi đang “đèn đỏ”. Đáng chú ý hơn, Kiran Gandhi đã không hề mang tampon khi chạy. Cô muốn chị em phụ nữ chú ý hơn đến việc chăm sóc sức khỏe bản thân.
Ở giải Boston Marathon 1996, nhà vô địch nữ Uta Pippig đã phơi bày chuyện cô đang trong những ngày “đèn đỏ” trước mắt hàng nghìn khán giả. Hình ảnh Uta Pippig về đích là một trong những hình ảnh “kinh điển” được nhắc đi nhắc lại trong lịch sử giải Boston Marathon về chuyện phụ nữ chạy bộ đường dài trong ngày kinh nguyệt. Nữ hoàng tốc độ Vũ Thị Hương cũng khẳng định cô đạt sự hưng phấn và phá kỷ lục ngay cả trong những ngày "đèn đỏ".
Rõ ràng, chuyện “đến tháng” không hề làm ảnh hưởng đến phong độ của Uta Pippig hay Vũ Thị Hương. Và đây cũng là một câu trả lời cho những ai còn hoài nghi việc thành tích bị ảnh hưởng bởi kỳ kinh nguyệt.
Việc tập thể dục thể thao thường xuyên cũng là một cách nhằm hạn chế các triệu chứng khó chịu trong ngày “đèn đỏ”. Khi chạy bộ, cơ thể tiết ra endorphins, chất giảm đau tự nhiên. Do đó, chạy bộ có thể khiến chị em cảm thấy dễ chịu hơn.
Hội chứng tiền kinh nguyệt: Đau đầu, mệt mỏi, tăng cân, chướng bụng, tức ngực, mụn trứng cá…
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng có mối tương quan giữa mức độ tập luyện thể dục thể thao và hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS) ít đi. Stacy Sims, một chuyên gia về thể dục thể thao và dinh dưỡng của ĐH Standford cho biết: “Bạn càng vận động một cách tích cực và thường xuyên thì cơn khó chịu mỗi khi đến ngày ấy càng ít đi".
Bác sĩ Mona Shangold, trung tâm thể thao và sức khỏe phụ nữ Philadelphia chia sẻ: “Chu kỳ kinh nguyệt không ảnh hưởng đến hoạt động chạy bộ tuy nhiên các triệu chứng có thể tạo ra sự khác biệt. Chứng chuột rút, chướng bụng và mệt mỏi có thể làm giảm cả tốc độ và sức bền của bạn. Ngoài ra, sự khó chịu đi kèm với chu kỳ hàng tháng khiến bạn khó có được tâm lý chạy thoải mái.
Không có lý do về mặt y khoa nào để sửa đổi lịch chạy của bạn. Mặc dù một số phụ nữ "bị" nặng hơn bình thường. Những người này có xu hướng tránh hoặc chạy ít đi khi xuất huyết nặng, nhưng không cần thiết phải vậy. Tùy thuộc vào các biểu hiện, bạn có thể tập các bài tập nhẹ nhàng hơn. Ví dụ: nếu chu kỳ của bạn đi kèm với chứng chuột rút hoặc đau lưng, hãy chọn các bài tập thay thế không gây ảnh hưởng như đi xe đạp, bơi lội hoặc yoga sẽ phù hợp hơn.
Kara Goucher (VĐV chạy bộ đường dài người Mỹ, hạng 3 Boston Marathon 2008) viết trong cuốn sách “Running for Women”: “Có một vài giải đua tốt nhất của tôi đều rơi vào những ngày đèn đỏ. Hãy tập luyện vượt qua nó”.
Uta Pipping (vô địch Boston Marathon 1996): “Sau khoảng hơn 6km, tôi đã vài lần có suy nghĩ bỏ cuộc bởi cảm giác đau. Nhưng cuối cùng thì tôi đã chiến thắng”.
"Hơn ai hết, phụ nữ nên lắng nghe cơ thể của chính mình và tập những gì mà họ cảm thấy tốt nhất. Cũng như với bất kỳ một chương trình huấn luyện nào, chế độ ăn uống phù hợp là cần thiết. Hạn chế sử dụng các loại thức ăn không có lợi cho sức khỏe. Không có thời điểm nào mà bạn không nên chạy trong những ngày “đến tháng”. Nhưng cần căn cứ vào mức độ của các triệu chứng để ra những quyết định hợp lý. Chẳng có gì quá nghiêm trọng khi bạn dành một ngày để nghỉ. Nếu các triệu chứng của bạn cho thấy chu kỳ của bạn bị rối loạn, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi tập luyện".