Khoa học chứng minh: Chạy bộ giúp runner U40 sở hữu vẻ đẹp tuổi 20
Dấu hiệu tuổi tác luôn là nỗi lo ngại đối với tất cả mọi người, đặc biệt là các chị em. Thế nhưng, theo các cơ sở khoa học, chạy bộ thường xuyên sẽ là biện pháp hữu hiệu giúp cho tất cả mọi người có thể níu giữ thời xuân sắc một cách tối đa.
Phương thuốc “cải lão hoàn đồng” trị giá 0 đồng
#1. Nếu duy trì việc chạy bộ nói riêng và hoạt động các động thể chất nói chung trong thời gian dài, runner có thể sở hữu vẻ bề ngoài trẻ trung hơn so với tuổi thật của bản thân, hay còn gọi là “lão hóa ngược”.
Đây là điều đã được nhà khoa học Steven Moore và các cộng sự chứng minh được trong công trình nghiên cứu về mối quan hệ giữa hoạt động thể chất và sự lão hóa của cơ thể người. Nhóm nghiên cứu đã thực hiện cuộc khảo sát với tổng cộng 654.827 đối tượng từ 21 đến 90 tuổi. Tất cả các đối tượng được chia ra thành từng nhóm dựa trên tổng thời gian vận động thể chất trung bình trong 1 tuần, kéo dài trong suốt 10 năm ròng rã.
Kết quả cho thấy, nhóm đối tượng đi bộ nhanh 75 phút/tuần tăng 1,8 năm tuổi thọ, 450 phút/ tuần thì tăng 4,5 năm tuổi thọ. Vậy nếu như runner duy trì chạy bộ trong khoảng 20 đến 25 năm liên tục, việc “lão hóa ngược” tới 10 tuổi là điều nằm trong tầm tay. Ấn tượng hơn, đối với những bệnh nhân may mắn sống sót sau khi bị ung thư có thể tăng thêm 5,3 năm tuổi thọ nhờ chạy bộ, con số này ở các đối tượng từng nghiện thuốc lá là 4,1 năm tuổi thọ.
#2. Một trong những dấu hiệu của việc “lão hóa ngược” chính là sự cải thiện về nước da. Theo ông Mark Tarnopolsky, Giáo sư Khoa nhi và Khoa học thể thao của trường ĐH McMaster, những người ở độ tuổi từ 40 trở lên có thể sở hữu làn da khỏe mạnh như ở tuổi 20, 30 nếu duy trì việc tập thể dục, thể thao thường xuyên.
Việc duy trì tập thể dục, thể thao thường xuyên giúp cho các ty thể (trung tâm năng lượng của tế bào, chịu trách nhiệm sản xuất trên 90% năng lượng cần thiết cho cơ thể để duy trì các hoạt động sống) có thể hoạt động đúng chức năng, qua đó tăng quá trình tái sinh và giảm lão hóa trong các mô và cơ quan của cơ thể.
#3. Công trình nghiên cứu kéo dài trong 21 năm của nhà khoa học Eliza Chakravarty và các đồng nghiệp với gần 1000 đối tượng ở độ tuổi từ 50 trở lên đã mang tới những số liệu đáng kinh ngạc. Có tới 85% số người duy trì việc chạy bộ vẫn còn sống sót sau 21 năm. Trong khi đó, chỉ có 66% số người trong nhóm không chạy bộ vẫn còn sống khỏe sau khi kết thúc thời gian nghiên cứu.
#4. Trường ĐH Standford cũng từng thực hiện một nghiên cứu trong vòng 21 năm, tính từ năm 1984 với hơn 500 runner ở độ tuổi từ 50 trở lên. Các runner sẽ chạy trung bình 4 giờ/tuần trong thời gian đầu. Thời gian chạy sẽ giảm dần trong suốt 21 năm cho tới khi chỉ còn 76 phút/tuần.
Tính đến thời điểm công trình nghiên cứu khép lại, chỉ có 15% runner qua đời cho đến khi công trình nghiên cứu khép lại. Trong khi đó, có tới 34% trong số 500 người cao tuổi ở nhóm không chạy bộ qua đời trong khoảng thời gian tương tự.
Sống “vui – khỏe – có ích”
#5. Không chỉ là thuốc “cải lão hoàn đồng”, tăng cường tuổi thọ, chạy bộ còn trực tiếp cải thiện chất lượng cuộc sống của con người.
Trong bài viết được đăng trên Tạp chí Y học và Khoa học Thể thao vào tháng 6 /2013, nhà nghiên cứu Paul Williams cho biết, ông từng thực hiện cuộc nghiên cứu với 29.025 runner là nam giới trong 7 năm rưỡi.
Thành quả của cuộc nghiên cứu chỉ ra rằng, các runner chạy từ 64km/tuần trở lên có thể giảm tới 35% nguy cơ đục thủy tinh thể, nguyên nhân chính dẫn tới việc kém thị lực và mù lòa.
#6. Theo nghiên cứu của ĐH Toronto (Canada), việc chạy bộ thường xuyên trong thời gian dài sẽ giúp chúng ta giảm thiểu nguy cơ bị mất trí nhớ hay các vấn đề liên quan tới hoạt động của não bộ ngay cả khi bước sang tuổi 80.
Củng cố thêm luận điểm trên, các nhà nghiên cứu của ĐH Arizona (Mỹ) khẳng định, việc chạy bộ vào sáng sớm có thể làm trẻ hóa tối đa các tế bào thần kinh trong não so với bất kỳ thời điểm nào khác trong ngày.
Trong khi đó, nghiên cứu của bộ đôi nhà khoa học Hayley Guiney và Liana Machado của trường ĐH Otago (New Zealand), duy trì việc chạy bộ 30 phút/ ngày trong thời gian dài có thể hạn chế tối đa nguy cơ bị suy giảm trí nhớ.