Khắc phục chấn thương đầu gối khi chơi bóng đá
+ Câu hỏi: Khoảng 2-3 tháng trước em chơi bóng đá phong trào với tần suất quá nhiều, dẫn đến việc bị ảnh hưởng xấu đến 2 đầu gối. Hiện tại tuy chỉ đá 1-2 trận mỗi tuần nhưng sau mỗi trận đấu, 2 đầu gối của em thường xuất hiện một vài vết tím, vị trí không cố định mặc dù trong lúc đá không va chạm với ai. Khi đứng trụ thì đau, nhiều khi bị khuỵu xuống vì quá đau, đi lại hơi khó khăn. Em chưa đi khám ở đâu, và xin tư vấn từ bác sỹ (độc giả từ địa chỉ khanhtoan712@….)
+ Bác sỹ Lê Thanh Tùng - Trưởng khoa Ngoại Chấn thương Chỉnh hình và Tạo hình, Bệnh viện Thể thao Việt Nam:
Bạn đang mắc phải hội chứng đau xương bánh chè, hay còn gọi là đau đầu gối hoặc phía trước đầu gối. Đây là loại chấn thương phổ biến nhất, chiếm khoảng 20% số lượng các ca chấn thương của người chạy bộ, hay chơi bóng đá. Các tổn thương thường gặp gồm:
Đứt dây chằng chéo trước: Biểu hiện là sưng và đau vùng gối. Bạn có thể cảm nhận được tiếng “rắc” ngay khi chấn thương, rồi đầu gối sưng đau và hạn chế vận động. Dù có điều trị hay không tình trạng sưng đau dần cũng tự hết.
Đứt dây chằng chéo sau: Giống với biểu hiện lâm sàng của tổn thương dây chằng chéo trước, như sưng và đau ngay sau chấn thương, lỏng gối, teo cơ.
Lỏng gối: Biểu hiện là cảm giác chân yếu khi đi lại, khó khăn khi đứng trụ một chân bên gối lỏng. Khi chạy nhanh có cảm giác ríu chân, dễ vấp ngã hay đi nhanh trên đường không bằng phẳng có cảm giác trẹo gối.
Teo cơ: Đùi bên chấn thương nhỏ dần do teo cơ, do đó chân càng ngày càng yếu, nhất là khi cơ đùi teo nhiều.
Tổn thương dây chằng bên trong: Thường liên quan đến cơ chế vặn xoắn, gây nên tổn thương của một phần hoặc hoàn toàn dây chằng bên trong.
Tổn thương dây chằng bên ngoài: Tổn thương dây chằng bên mác thường đi kèm với các tổn thương của các cấu trúc xung quanh như gân cơ kheo hoặc dải chậu chày.
Tổn thương sụn chêm: Là tổn thương hay gặp nhất ở khớp gối trong chấn thương thể thao, nhất là với những người chơi bóng đá.
Nếu gặp phải một trong các loại tổn thương kể trên, bạn cần lập tức ngừng tập luyện hay chơi thể thao, để nghỉ ngơi và tập trung điều trị theo chỉ dẫn của bác sỹ chuyên ngành. Căn cứ vào mức độ nặng nhẹ của tổn thương mà bó bột, nẹp cố định, phẫu thuật.
Trong trường hợp có dấu hiệu gãy xương hoặc không thể đứng được dứt khoát phải sớm chụp X-quang để xác định chính xác tình trạng. Và khi bị gãy xương, bệnh nhân cần phải cố định khớp gối bằng bó bột hay dùng nẹp. Việc bó bột phải đảm bảo từ vị trí trên cổ chân cho tới tận phần trên của bắp đùi. Nếu dùng nẹp phải nẹp từ dưới bắp chân tới khoảng giữa đùi với những thanh cố định có thể tháo ra dễ dàng.
Xin lưu ý rằng, kể cả có gãy xương hay không gãy xương, mọi bệnh nhân khi đi đứng mà thấy đau đều phải mang nạng. Bạn sẽ phải thực hiện phẫu thuật nếu bị tổn thương ở dây chằng, rách hoàn toàn hay các tổn thương sụn chêm không lành được.
Với những gì bạn miêu tả thì nhiều khả năng bạn bị tổn thương sụn chêm, và có thể bị đứt một nhóm cơ ở đầu gối. Bạn cần đi khám bác sỹ sớm và điều trị dứt điểm, vì tổn thương của bạn thuộc diện nhẹ nhưng sẽ nguy hiểm khi tiếp tục chơi bóng.