Ánh Viên & những chuyện chưa kể (Kỳ 3): Khoản đầu tư "ngốn" gần chục tỷ
Quyết định mang tính bước ngoặt cho sự nghiệp của Viên, cho lịch sử của bơi Việt Nam chính là việc đưa tài năng trẻ đặc biệt này sang Mỹ tập huấn dài hạn. Qua 4 năm, chỉ tính riêng về kinh phí, mức đầu tư cho siêu kình ngư đã lên tới 9 tỷ đồng.
Khi ấy Viên mới 15 tuổi đã đoạt 2 HCB ngay kỳ SEA Games đầu tiên nhưng chuyện sang Mỹ tập huấn là bài toàn rất khó giải, nhất là kinh phí không dưới 100.000 USD/năm. Số tiền tương ứng 2 tỷ đồng này thậm chí còn hơn cả tổng kinh phí môn bơi được cấp mỗi năm.
Tưởng chừng mọi việc đi vào ngõ cụt, thì rất may khi các nhà quản lý huấn luyện môn bơi đề xuất là được lãnh đạo đồng ý ngay với phương án đôi bên cùng hợp sức: Ngành thể thao chi 60.000 USD còn đơn vị chủ quản Quân đội chi 40.000 USD.
Giải quyết được nút thắt, những người có trách nhiệm phải trực tiếp bay sang Mỹ để khảo sát, liên hệ địa điểm, chuyên gia, điều kiện ăn ở sinh hoạt. Thời gian đầu của chuyến xuất ngoại từ đầu năm 2012 là một cuộc thử thách với thầy trò Viên khi cả hai lạ lẫm với mọi thứ, chưa kể những rắc rối phát sinh do những quy định đặc thù của các CLB Mỹ. Áp lực càng bị đẩy cao hơn khi người đi cùng đợt với Viên là Quý Phước quay về nước.
Từ đó đã dấy lên dư luận, ngay cả trong giới chuyên môn, về một chuyến xuất ngoại ném tiền qua cửa sổ. Nó chỉ ổn thỏa khi Viên giành 5 HCV, đạt 4 chuẩn Olympic tại giải Đông Nam Á không lâu sau đó.
Qua 4 năm, tính đến hết 2015, Ánh Viên đang là tuyển thủ Việt Nam nhận được mức đầu tư “khủng” nhất lịch sử với tổng kinh phí theo thống kê khoảng 9 tỷ đồng. Riêng năm 2015, khoản kinh phí là 140.000 USD do ngành thể thao và đơn vị chủ quản Quân đội mỗi bên chi một nửa. Dự kiến, năm 2016, con số này được tăng lên 200.000 USD nhằm giúp Viên tăng cường tối đa việc dự tranh các giải quốc tế lớn trong hệ thống nhằm đạt thành tích cao nhất tại Olympic 2016.
Với những kỳ tích liên tiếp trên các đấu trường quốc tế, vượt ngoài sức tưởng tượng của giới chuyên môn, khoản đầu tư 9 tỷ đồng cho Ánh Viên được đánh giá đáng giá đến từng đồng, thậm chí nó là mức “rẻ” nhất cho một kình ngư hàng đầu thế giới.
Là một kỷ lục của Việt Nam, song khoản 9 tỷ đồng đầu tư cho Ánh Viên chưa ăn nhằm gì nếu so với mức chung của quốc tế. Ví dụ kình ngư Schooling mỗi năm được Singapore đầu tư 900.000 USD. Riêng số tiền của gia đình đầu tư cho kình ngư vừa giành HCĐ giải VĐTG 2015 này đã là 1 triệu USD.
Đón đọc kỳ 4: Vì sao Ánh Viên là số 1 và duy nhất của bơi Việt Nam?
Thông tin, hình ảnh về các hoạt động và phương thức bình chọn của giải thưởng Cúp Chiến thắng 2015 được cập nhật trên website và fanpage chính thức của chương trình.
www.cupchienthang.vn; www.vtvcab.vn, www.thethao24.tv, www.facebook.com/cupchienthang