Bắt mạch liệu có nhận biết được sốc nhiệt?
Sốc nhiệt và gặp vấn đề về tim mạch nhìn thoáng qua đều có biểu hiện ban đầu giống nhau ở người tập thể thao. Để phân biệt, bác sỹ Đinh Linh đã chia sẻ cách để nhận biết hai triệu chứng này.
>>> Kiểm tra y tế từng "cứu" một cựu trợ lý FIFA của Việt Nam
>>> Sốc nhiệt - "Thủ phạm" từng khiến nhiều VĐV và cầu thủ nguy kịch
>>> Những trường hợp thường dễ bị sốc nhiệt khi hoạt động thể thao
Xuất thân từ Viện tim mạch quốc gia, bệnh viện Bạch Mai, bác sỹ Đinh Linh chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn: "Hai nguyên nhân dẫn đến một người tập thể thao mà đột ngột ngã xuống, một là sốc nhiệt, hai là các nguyên nhân về tim mạch".
"Thật sự khi có một người ngã xuống đối với những bác sỹ như chúng tôi đều có phản xạ là anh này có bị bệnh lý gì về tim mạch hay không? Mạch não, mạch vành có bị gì không".
Khi một người bị sốc nhiệt, việc vận chuyển vào bệnh viện để sử dụng các thiết bị kiểm tra không thể tiến hành ngay. Chính vì vậy, khâu chẩn đoán và sơ cứu ban đầu được đánh giá rất quan trọng.
Với một tình huống thực tế ở hiện trường, gần như không có thiết bị chuyên dụng để kiểm tra kỹ lưỡng. Bác sỹ Linh nói: "Thực sự với một người ngã xuống ngay lập tức tại hiện trường thì điều duy nhất chúng tôi có thể làm là bắt mạch và đếm nhịp tim như thế nào".
"Ví dụ như rối loạn nhịp tim, nhịp thất, rung thất, đột tử thì không bắt được mạch, không phải mạch ở tay mà là ở bẹn hay ở cổ. Đấy là trường hợp bị ngừng tim, có một chuỗi cấp cứu ngừng tuần hoàn".
"Thế nhưng, trong trường hợp sốc nhiệt, bắt mạch rất rõ, thậm chí mạch bình thường, nhịp tim hơi nhanh một chút, thể trạng hoàn toàn bình thường chỉ có mất ý thức. Lúc đấy, nếu đo được nhiệt kế trực tràng thì biết được nhiệt độ đang tăng cao".
"Tôi nghĩ sự phân biệt thì thật sự khó khăn, vào bệnh viện còn khó, tại hiện trường phản xạ của mình là bắt mạch nếu như không thấy mạch thì tức là liên quan tim mạch rồi. Còn nếu sờ thấy mạch thì bắt đầu nghĩ đến bệnh khác, trong đó có sốc nhiệt".
Video: Nguyên nhân và cách phòng tránh sốc nhiệt trong thể thao.
Bác sỹ Nguyễn Trọng Thủy của đội tuyển quốc gia và U23 Việt Nam cũng đưa ra thêm cách nhận biết một người bị sốc nhiệt: " Sốc nhiệt ban đầu để nhận biết trên hiện trường là bệnh nhân mặt đỏ, da nóng, có thể mất ý thức. Cũng giống như định nghĩa ban đầu về thể lực, có rối loạn về hệ thần kinh TW. Khi đó, chúng ta có thể nghĩ đến sốc nhiệt".
Triệu chứng sốc nhiệt từng xảy ra ở một số giải chạy phong trào trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, tỷ lệ người tập gặp phải rất thấp. Tuy nhiên, nếu chẩn đoán sai triệu chứng và không có biện pháp hạ nhiệt kịp thời. Người bị sốc nhiệt có thể dẫn đến tử vong.
Mới đây, trợ lý trọng tài Dương Ngọc Tân đã qua đời vào đầu tháng 4 sau khi bị sốc nhiệt ở buổi kiểm tra thể lực trọng tài trước giải hạng nhất quốc gia 2018.
Video: Talkshow - Sốc nhiệt trong thể thao do Webthethao.vn thực hiện.
Sốc nhiệt là triệu chứng gì?
Dân gian thường gọi bằng những từ dân dã như say nắng, say nóng. Sốc nhiệt là hình thức tổn thương cao nhất do nhiệt. Nhẹ là say nắng, say nóng, nặng hơn là kiệt sức do nhiệt và nặng nhất là sốc nhiệt.
Định nghĩa về sốc nhiệt là nhiệt độ trung tâm cơ thể cao quá 40 độ C kèm theo có rối loạn chức năng thần kinh TW. Nhẹ sẽ mất định hướng, rối loạn tri giác, nặng thì hôn mê. Thống kê cho thấy đây là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở những người bình thường tập luyện thể thao.
Với các VĐV chuyên nghiệp, vẫn có khả năng xảy ra. Một trong những nguy cơ của sốc nhiệt là khi nền tảng thể lực càng kém thì càng dễ xảy ra. Một người càng ít luyện tập trong điều kiện khác nhau thì khả năng thích nghi của cơ thể kém hơn. Xác suất bị sốc nhiệt ở người bình thường tập luyện thể thao thì cao hơn VĐV chuyên nghiệp.