Bí mật “nói không” với chấn thương của các “sát thủ” đấu kiếm
Vốn là một người cũng có niềm đam mê thể thao, cũng đã từng chơi nhiều môn khác nhau. Tuy nhiên, anh Trần Nhật Trường - Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội lại chưa bao giờ thử sức mình với môn đấu kiếm vì anh cho rằng có thể gây chấn thương cho người chơi bất cứ lúc nào. Anh Trường chia sẻ: “Tôi cũng đã từng chơi rất nhiều môn thể thao, nhưng với đấu kiếm tôi có chút e ngại. Bản thân tôi cũng đã từng theo dõi các VĐV thi đấu môn này qua truyền hình, và cảm giác đầu tiên của tôi khi xem đó là sự nguy hiểm”.
Đó không chỉ là suy nghĩ của riêng anh Trường, mà đa số những ai khi chứng kiến bộ môn đấu kiếm đều cho rằng bộ môn này rất dễ gây chấn thương cho người chơi. Bạn Hoàng Trường Giang – Cầu Giấy, Hà Nội cho biết: “Bản thân mình là người cũng rất thích các môn thể thao mạo hiểm, và rất muốn tập luyện thử bộ môn đấu kiếm này xem thực sự nó có nguy hiểm như mình nghĩ hay không. Trên thực tế, khi thi đấu mình đều thấy các VĐV đều có trang phục bảo hộ, nhưng việc thi đấu với cây kiếm cùng các động tác chủ yếu là đâm và chém thì cũng khó nói trước được điều gì”.
Tuy nhiên đối với những HLV, VĐV môn đấu kiếm – những người đã thi đấu và tập luyện môn này nhiều năm, lại cho rằng môn thi đấu này khá an toàn. Chị Nguyễn Thị Kim Nga - HLV trưởng đội TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Thoạt nhìn môn đấu kiếm này có vẻ rất nguy hiểm, nhưng trên thực tế nó khá an toàn cho các VĐV ngay cả khi thi đấu và tập luyện. Các VĐV đều được mặc những trang phục bảo hộ đúng tiêu chuẩn bao gồm: áo giáp, mũ bảo hộ, găng tay. Kiếm sử dụng khi thi đấu đều là những thanh kiếm không có lưỡi, đầu kiếm tròn với đường kính từ 5 - 7mm, nên khi đâm không thể gây được chấn thương cho các VĐV”.
Theo quan sát của chúng tôi, khi thi đấu các tay kiếm phải tuân thủ một cách nghiêm ngặt những chỉ thị của trọng tài và phải mang đầy đủ các thiết bị bảo vệ chuyên dụng để bảo vệ cánh tay và ống tay áo. Trận đấu sẽ được dừng ngay lập tức khi mũ bảo hộ của VĐV rơi xuống, trang phục thi đấu của VĐV bị sờn rách. Chính những quy tắc bảo vệ nghiêm ngặt trong cả tập luyện và thi đấu này sẽ giúp cho VĐV đảm bảo được an toàn tuyệt đối. Hơn nữa, các trận đấu được phân thắng thua bằng nguyên tắc tính điểm, VĐV nào giành được 15 điểm trước sẽ chiến thắng chứ không phải là “đấu một mất một còn” như nhiều người vẫn nghĩ.
Bên cạnh đó, trong quá trình tập luyện bộ môn đấu kiếm, các VĐV chủ yếu tập luyện các bài tập để tăng khả năng phản xạ, cường độ tập luyện không quá cao nên nguy cơ chấn thương cũng được hạn chế rất nhiều. HLV đội TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Các VĐV tập luyện với cường độ khoảng 2 buổi trên ngày, sau mỗi buổi tập họ đều có một khoảng thời gian nhất định để hồi phục nền tảng thể lực. Chính vì vậy, nguy cơ chấn thương đối các VĐV môn đấu kiếm so với các môn võ khác thực sự không đáng ngại”.
Theo ghi nhận, trong quá trình tập luyện chấn thương hay xảy ra đối với các VĐV trẻ, do cơ thể chưa kịp thích nghi được với cường độ tập luyện của các VĐV chuyên nghiệp. VĐV Trần Hoàng Hải - đội Hải Phòng chia sẻ: “Những ngày đầu tập luyện, em thường hay gặp những chấn thương về cơ, hoặc dây chằng do chưa theo được cường độ tập luyện của các bài tập thể lực. Nhưng về khoảng thời gian sau, khi đã quen với các bài tập thì nguy cơ chấn thương trong tập luyện cũng giảm đi đáng kể”.