Môn thể thao "số 1 Việt Nam": Nghịch cảnh “mũi nhọn tay không”

thứ tư 25-11-2015 22:52:39 +07:00 0 bình luận
Nếu là Thái Lan hay Indonesia thay vì Việt Nam, Cử tạ sẽ có được một chiến lược phát triển riêng, với sự đầu tư đặc biệt về mọi mặt thay vì chỉ là một bộ môn có tổng kinh phí tập huấn thi đấu quốc tế chưa nổi 2 tỷ đồng mỗi năm hay cả nước có đúng 3 nơi có nhà tập luyện chuyên dụng.

Sàn tập là nền đất, nền xi măng lót cao su

Sau tròn 2 thập kỷ gây dựng, có thành tích vươn tới đỉnh thế giới song Cử tạ Việt Nam đến giờ vẫn có điều kiện tập luyện tồi tàn hệt như hồi khởi đầu. Cả nước hiện tại chỉ có đúng 3 phòng tập chuyên dụng ở ĐTQG (Nhổn, Hà Nội) cùng 2 trung tâm Hà Nội và TP.HCM. Ngay cả 3 phòng tập hiếm hoi này cũng chỉ mới đáp ứng ở mức tối thiểu, chỉ ngang phòng tập phong trào của nhiều nước.

Nhà luyện tập thi đấu môn cử tạ luôn xập xệ như thế này.

Với Cử tạ Việt Nam, có phòng chuyên dụng với sàn gỗ để tập đã quá may mắn, nếu xét trên mặt bằng chung có tới 16 địa phương/đơn vị đang tiến hành đào tạo VĐV tại những địa điểm vô cùng khó tin, ở dưới gầm SVĐ, sân ngoài trời hay thậm chí gara ô tô… Tất cả đều chỉ trên nền đất hay nền xi măng được lót đệm cao su. Ngoài những quả tạ giá rẻ, khác xa với chuẩn quốc tế, các đô cử - vốn phải chịu hàng trăm tấn trọng lượng hàng tháng - không hề có các thiết bị bổ trợ, không được chăm sóc y học và hưởng mức dinh dưỡng chỉ 100-150 ngàn đồng mỗi ngày.

Cả môn chỉ có 2 tỷ đồng mỗi năm

Trên một nền tảng, xuất phát điểm yếu kém như thế, rất kỳ lạ vì Cử tạ Việt Nam vẫn liên tục sản sinh ra các nhân tố trẻ đặc biệt. Càng đáng nói hơn vì chính họ sau đó lại tiếp tục vượt khó, chịu khổ một cách ngoạn mục để đạt tới đẳng cấp có thể tranh chấp sòng phẳng ở mọi đấu trường quốc tế, kể cả Olympic hay giải VĐTG.

Khi Hoàng Anh Tuấn mang về tấm HCB lịch sử tại Olympic 2008, cả môn Cử tạ chỉ được có 50-60 ngàn USD mỗi năm cho việc tập huấn, thi đấu quốc tế, mua sắm trang thiết bị dụng cụ, thuốc men. Mức đầu tư sau đó có được tăng lên qua từng năm, song tối đa cũng chỉ khoảng 100.000 USD, tương đương trên 2 tỷ đồng. Với khoản kinh phí quá ít, Bộ môn Cử tạ của ngành thể thao phải cân đối, tính toán đủ kiểu mới có thể cử ĐTQG dự tranh 2-3 giải đấu, cũng như ưu tiên cho một vài ngôi sao như Thạch Kim Tuấn được xuất ngoại rèn giũa ngắn hạn.

Mọi chuyện gần đây đã đỡ khó khăn hơn với sự “chung sức” từ các đơn vị chủ quản, rõ nhất với Hà Nội và TP.HCM. Tuy nhiên, đó cũng mới là giải pháp tình thế, chỉ có thể giải quyết được “phần ngọn”. Bộ môn Cử tạ gần như không thể chỉ đạo định hướng và hỗ trợ được gì cho các cơ sở, và đành phải trông đợi vào sự xuất hiện của các đô cử đúng nghĩa “lúa trời”.

Dù những người có trách nhiệm của TTVN luôn coi Cử tạ là môn “mũi nhọn” hàng đầu song thực tế lại hoàn toàn khác. Cử tạ chưa từng nhận được sự quan tâm chăm lo xứng đáng, nếu không muốn nói còn thua kém nhiều môn khác có khả năng và thành tích quốc tế dưới mình hẳn một bậc.

Ngành thể thao đang nhìn nhận Cử tạ ở một góc độ quá hẹp qua một vài hảo thủ như Kim Tuấn, Quốc Toàn chứ không phải với tư cách của một môn gần như duy nhất hội đủ các yếu tố cần thiết trở thành “mũi nhọn” tầm quốc tế, rõ nhất với hạng 56kg nam, nội dung mang về cả huy chương Olympic lẫn ngôi VĐTG.

Những gì đang xảy ra với môn Cử tạ thực sự là một nghịch lý và một sự lãng phí lớn. 

Mang tiếng “mỏ huy chương” của TTVN, cả môn cử tạ cũng như các lực sĩ hàng đầu thế giới từ Hoàng Anh Tuấn, Trần Lê Quốc Toàn đến Thạch Kim Tuấn đều chưa từng biết đến một đồng tài trợ. Cách đây mấy tháng, Liên đoàn Cử tạ - Thể hình Việt Nam mới được thành lập, song có vẻ như khả năng xã hội hóa lại chỉ có thể chờ vào “người đồng đội” Thể hình.

"Từ những tài năng trẻ đến các tuyển thủ đạt tới đẳng cấp tranh huy chương châu lục, thế giới và Olympic là một chặng đường dài với một hệ thống đào tạo huấn luyện chặt chẽ. Các nước muốn có thành tích đều làm theo “quy luật” ấy. Có đặt vào tương quan so sánh với quốc tế mới thấy Cử tạ Việt Nam đã thực hiện được những điều phi thường như thế nào, khi mà vẫn chỉ đang “tay không bắt giặc”, rõ nhất ở các địa phương mà nhiều nhà quản lý đều đang vô cảm với môn Olympic hàng đầu này. Tôi cho rằng, ngành thể thao phải có một chiến lược, giải pháp phát triển riêng cho môn Cử tạ để có thể biến nó thành một môn thế mạnh ổn định ở tầm cỡ thế giới. Chúng ta nên xem xét thành lập hẳn một Trung tâm huấn luyện đào tạo Cử tạ quốc gia, như nhiều nước đang làm với các môn trọng điểm”.

Chuyên gia Nguyễn Hồng Minh (Nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao Thành tích cao, Trưởng đoàn TTVN).

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Bùi Thu Hường

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội