Chạy địa hình siêu đường dài và những điều cần tránh

thứ năm 22-8-2019 14:01:00 +07:00 0 bình luận
Chạy địa hình siêu đường dài (ultra trail) dành cho những vận động viên có khả năng chạy trên 50km với địa hình đồi núi, đèo dốc khó khăn, hiểm trở.

Chạy địa hình là môn không dành cho tất cả mọi người, đặc biệt là những cự ly quá marathon (hơn 42km). Ngày nay, với phong trào phát triển rầm rộ, các giải chạy địa hình ở Việt Nam đã có khá nhiều, đủ để các chân chạy thỏa mãn đam mê.

Hầu hết các giải chạy địa hình này đều đã có các cự ly siêu đường dài như 57km (LUT 2019), 70km (Mộc Châu, Pù Luông, Đà Lạt), 100km (Sa Pa)… Để hoàn thành được những cự ly khủng này, các vận động viên phải tập luyện rất nghiêm túc với nhiều kế hoạch về chạy tích lũy, dinh dưỡng, nghỉ ngơi…

Thế nhưng, vẫn có không ít người chỉ thông qua vài lời khuyên đã nghĩ rằng mình có thể là một “trail ultra marathoner”. Những lời khuyên dưới đây được đánh giá là rất tệ đối với những người mới bắt đầu tập chạy địa hình siêu đường dài.

1. “Bạn có thể hoàn toàn đăng ký giải này”
Xuống tay đăng ký một giải chạy siêu đường dài là điều không thể trong một lúc bốc đồng mà làm được. Tuy nhiên, khi có một người bạn thân đã từng chạy nhiều giải bỗng nhiên tỉ tê “Mày có thể đăng ký chạy giải này được đấu, đừng lo, qua thôi mà!” thì không ít người đã đánh liều làm theo.

Xuất phát nhanh ngay từ đầu có thể khiến bạn đánh đổi cả cuộc đua

2. Hãy xuất phát thật nhanh
Tăng tốc vượt lên nhiều đối thủ khác thì mới có khả năng giành chiến thắng là suy nghĩ và lời khuyên sai lầm nhất nếu ai đó nói với bạn. Chạy địa hình rất khác với chạy đường bằng. Khi cơ thể chưa thật sự sẵn sàng thì việc bung sức ngay từ lúc xuất phát là “bản án kết liễu cuộc chạy” của bạn.

3. Phải nghĩ về những điều tốt đẹp
Thực tế thì khi chạy địa hình siêu đường dài thì bạn nên làm điều ngược lại. Hãy nghĩ về khả năng bạn có thể bị nôn mửa, tiêu chảy, lạc đường, đói lả, chấn thương, thậm chí là… rơi xuống vực. Hãy nghĩ về những thứ đó để biết cách cảnh giác với mọi tình huống. Chạy địa hình không dành cho những kẻ mộng mơ, đi chạy chỉ để kiếm ảnh sống ảo.

4. Gần về đích rồi
Đừng tin nếu ai đó nói rằng bạn sắp về đích rồi. Đôi khi chỉ 2km nữa thật, nhưng là phải leo qua cả một ngọn núi với độ cao khủng khiếp. Bạn hoàn toàn có thể DNF (Không hoàn thành) chỉ vì đoạn đường “gần về đích” đó.

Gần về đích rồi nhưng thực tế có thể DNF vì nhiều lý do

5. Đừng dừng lại vì bất kỳ điều gì
Đây quả là lời khuyên có phần… ác. Nếu bạn đi chạy mà quá chú tâm đến thành tích, đến nỗi gặp chuyện gì từ người khác cũng mặc kệ, thì quả là sai lầm. Chạy địa hình luôn tiềm ẩn các rủi ro, điều xấu xảy đến với vận động viên khác thì cũng có thể xảy đến với bạn. Dừng lại một chút để giúp đỡ nhau là các để bạn trở thành một vận động viên chân chính.

6. Đừng ăn tất cả các loại thực phẩm
Thực tế thì khi chạy đường dài, điều làm bạn mệt mỏi nhất chính là thiếu dinh dưỡng. Đói, khát khiến bạn mờ mắt, hoa mày chóng mặt… Lúc này thì bất kỳ cái gì có thể bỏ vào miệng đều cực kỳ quan trọng. Đừng kén chọn mà bỏ qua những loại đồ ăn vốn hàng ngày bạn không động đến. Lúc đói khát thế này, một quả rừng, hay gói mì tôm sống cũng là thiên đường rồi.

Có thứ để nạp vào bụng khi đang đói khát đã là hạnh phúc lắm rồi, đừng kén chọn đồ ăn

7. Chạy theo tốc độ định sẵn
Nếu bạn cứ định chạy pace 6 cho cả quãng đường đồi núi khó khăn trước mắt thì rất có thể bạn sẽ phải dừng lại sớm khi chưa qua nổi cự ly marathon. Đừng tin vào những lời khuyên kiểu thế này. Hãy chạy theo khả năng của bạn và căn cứ vào tình hình thực tế đường đua. Đôi lúc phải đi bộ, nằm nghỉ để bảo toàn năng lượng thì cũng cần phải làm.

8. Đừng để ý đến các tình nguyện viên
Đây thật sự là lời khuyên không còn gì để nói. Tình nguyện viên là những người giúp đỡ bạn rất nhiều trong cuộc thi. Không có họ, bạn có thể lạc đường, đói khát, thậm chí chấn thương nặng… Hãy để ý các chỉ dẫn của các tình nguyện viên, nhờ họ giúp đỡ nếu cần thiết. Đừng quá tin tưởng vào bản thân khi đang chạy siêu dài trong rừng tối.

Một cái ôm động viên, dừng lại để xem người cần giúp đỡ muốn gì là cách bạn nên làm, đừng quá quan tâm đến thành tích khi đi chạy

9. Phải luôn nhìn như một chân chạy chính hiệu
Nhiều người cho rằng đi chạy là trông phải giống người chạy chuyên nghiệp. Nào là quần áo phải sành điệu, đồ nghề, phụ kiện phải đầy đủ… Nếu không được như thế, bạn có thể lạc lõng giữa đám đông.

Đừng nghe điều này. Khi chạy, bạn phải là chính bạn, tin vào bản thân và khả năng của mình. Còn giống ai hay không không quan trọng. Có những nhà vô địch chạy với chỉ một chiếc quần đùi trên người, hay một đôi giày mòn đế, thủng ngón…

Thanh Mai
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Trần Thùy Chi

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội