Rách sụn chêm - Nỗi ám ảnh không chỉ của Tuấn Anh

thứ sáu 16-12-2016 17:29:34 +07:00 0 bình luận
Sụn chêm thường xuyên phải chịu tải cơ thể và khá đặc thù. Vì vậy chấn thương rách sụn chêm không chỉ phổ biến trong bóng đá mà còn thường gặp ở người cao tuổi.

Khớp đầu gối và khu vực xung quanh nó là nơi thường xuyên phải hoạt động với cường độ cao. Bởi vậy, chấn thương sụn chêm là loại chấn thương khá phổ biến trong môn bóng đá và thường gặp ở những người cao tuổi.

Thống kê cho thấy, nó chiếm 12% trong tổng số những pha chấn thương tại Anh mùa giải 2004-2005. Theo trang Physioroom, chỉ có chấn thương cơ bắp (33%) và dây chằng (31%) mới xảy ra nhiều hơn chấn thương sụn chêm.

Trường hợp Tuấn Anh mới “vá” thành công sụn chêm ở Singapore mới đây không phải là hiếm gặp ở V.League. Chính anh cũng từng tổn thương tới 25% sụn chêm hồi năm 2012.


Tuấn Anh phải bỏ lỡ AFF Cup 2016 vì chấn thương sụn chêm. Ảnh: Anh Khoa

Hậu vệ Huỳnh Quang Thanh phải nghỉ thi đấu 5 tuần sau pha va chạm với một cầu thủ của CLB Hải Phòng ở vòng 2 V.League 2016 vừa qua.

Quãng thời gian hậu vệ của CLB Long An phải rời xa sân cỏ chưa thấm tháp vào đâu so với Danny Wellbeck. Tiền đạo của “Pháo thủ” Arsenal phải nghỉ thi đấu 9 tháng do tổn thương nghiêm trọng vùng sụn chêm.

Một trường hợp khác có quãng nghỉ tương đương Văn Thanh và Tuấn Anh là Modric, anh mất khoảng 6 tuần bình phục sau trận Real Madrid hòa 2-2 với Dortmund ở Champions League.


Welbeck là trường hợp điển hình chịu ảnh hưởng do chấn thương sụn chêm.

Nói về chấn thương sụn chêm, Bác sĩ Nguyễn Trọng Hiển, trưởng phòng y học thể thao, trung tâm HLTT QG Nhổn cho hay: "Sụn chêm được chia thành 2 phần là đỏ (khu vực được cấp máu thường xuyên ) và trắng (ít cấp máu). Phần đỏ nằm trong 1/3 rìa ngoài, 2/3 còn lại là rìa trái.

Sụn chêm là bộ phận không thể tái tạo.Tuy nhiên ngày nay đã có phương pháp ghép sụn chêm với những trường hợp phải cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ do tổn thương. Nó giúp nhiệm vụ giảm sóc giữa 2 đầu lồi của vùng khớp gối (chức năng chính của sụn chêm) vẫn được duy trì.

Với những ca chấn thương ở vùng đỏ, các bác sĩ có thể dùng phương pháp điều trị bảo tồn để giữ lại và phục hồi chức năng vùng chấn thương. Ngược lại, nếu vết thương nằm ở vùng trắng, phẫu thuật cắt bỏ là điều phải làm".

Vai trò của sụn chêm khá quan trọng đối với những vận động của cơ thể khi nó phân phối lực đều lên khớp gối. Lực tác động lên sụn chêm thay đổi theo tư thế, 50% trọng lực truyền qua sụn chêm ở tư thế gối duỗi thẳng, 85% ở tư thế gối gập.

Khớp gối còn sụn chêm có khả năng hấp thụ lực và giảm xóc cao hơn 20% so với khớp gối đã bị cắt sụn chêm. Ngoài ra, sụn chêm còn nhiệm vụ phân bố đều hoạt dịch bôi trơn và dinh dưỡng sụn khớp, tránh cho bao khớp và màng hoạt dịch không bị kẹt vào khe khớp.


Vị trí sụn chêm ở khớp gối.

Như đã nói, chấn thương rách sụn chêm khá phổ biến trong bóng đá. Có khá nhiều hình thức rách sụn (thường gặp là rách dọc, rách ngang, rách hình nan hoa, hình vạt, hình mỏ, hình quai vali và rách phức tạp. Theo vị trí: rách sừng trước, sừng sau, thân; rách vùng vô mạch, vùng có mạch nuôi).

Cần để ý 2 loại sụn chêm ngoài đặc biệt  là có nang hay phì đại hình đĩa (discoïde). Nhìn chung nó khá lành tính tuy nhiên lại rất dễ đối mặt với nguy cơ tổn thương nghiêm trọng

Nang sụn chêm ngoài: Là dạng nang nhỏ nằm ở rìa của sụn chêm bị rách, trong nó chứa chất keo. Nó là nguồn gốc của đau gối mặt ngoài gối, khi khám thấy một cục nhỏ nằm ngay dưới da ngay trên đường khớp.

Sụn chêm ngoài hình đĩa: Thay vì có dạng hình trăng lưỡi liềm, nó lại có dạng hình đĩa, che phủ hoàn toàn mâm chày ngoài. Trong trường hợp không có tổn thương, sụn chêm ngoài hình đĩa không có triệu chứng. Nhưng nó thường lại rất mỏng mảnh, dễ rách, đặc biệt là ở trẻ em.


Các loại tổn thương sụn chêm thường gặp.

Bởi sụn chêm chịu tải lớn với cường độ cao khi nâng đỡ cả cơ thể lúc vận động, vì vậy chấn thương dạng này thường xảy ra khi đầu gối bị thay đổi hướng đột ngột, chận bị vặn xoắn hoặc trong trạng thái gối gấp (ngồi xổm).

Đáng nói là rách sụn chêm không chỉ gặp trong khi vận động hoặc ở những người trẻ tuổi. Càng về già, con người càng đối mặt với nguy cơ rách sụn chêm bởi thoái hóa, khô khớp. Rách sụn chêm ở người già còn thường đi kèm bong, mòn sụn khớp.

Với dạng chấn thương không do vận động kiểu này, chúng ta thường bỏ qua thương tổn sụn chêm. Những người già đau ở bên trong gối, tiến triển theo chu kỳ lúc đầu rất đau, cường độ thay đổi kéo dài và tuần tự theo thời gian thì cần phải nghĩ tới trường hợp rách sụn chêm.


Giải phẫu sụn chêm: A. sừng sau, B. thân, C. sừng trước; I. vùng giàu mạch, II. vùng nghèo mạch, III. vùng vô mạch

Chấn thương rách sụn chêm có thể chuẩn đoán qua những dấu hiệu lâm sàng như tiếng “nổ” ngay khi sụn chêm bị rách. Đầu gối có dấu hiệu phù nề sau 2-3 ngày bị tổn thương.

Một số trường hợp vẫn có thể thi đấu bình thường tới hết trận. Tuy nhiên chắc chắn sau đó đầu gối sẽ dần mất linh hoạt, gây khó khăn khi vận động.

Những dấu hiệu khác có thể kể đến: Có tiếng “khục, khục” trong khớp khi vận động, khớp gối bị kẹt gây khó khăn và không thể duỗi thẳng chân. Thực tế, chỉ với dấu hiệu kẹt khớp đã có thể chuẩn đoán rách sụn chêm. Tuy nhiên, trường hợp này khá hiếm gặp.

Trong quá trình thăm khám, nếu bệnh nhân đau khi sờ ở bờ sụn chêm thì 90% có thể khẳng định chấn thương này.


Trường hợp của Tuấn Anh thậm chí còn dấu hiệu phù nề và phải sử dụng kháng sinh chống viêm.

Để chuẩn đoán chính xác vết thương, phương pháp chụp cổng hưởng tử được khuyến khích. Việc chụp X-Quang cũng có thể phát hiện ra vùng tổn thương, tuy nhiên cách này không đánh giá chính xác vị trí như phương pháp cộng hưởng từ. Ngày nay, phương pháp cộng hưởng từ (I.R.M) đang dần thay thế phương pháp X-Quang.

Một phương pháp chuẩn đoán khác là nội soi cũng được dùng trong một số trường hợp phức tạp. Cách làm này đánh giá chính xác tình trạng, mức độ tổn thương của sụn, dây chằng, sụn chêm, màng hoạt dịch. Quan trọng hơn, bác sĩ có thể tiến hành can thiệp ngay khi đã có phương pháp điều trị.

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Bùi Thu Hường

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội