Tập bắp chân có khó lên?
Do cơ địa?
Cơ thể cò hương của anh Phạm Tuấn Sinh (quản lý siêu thị điện máy ở Hà Đông, Hà Nội) tăng từ 52kg lên gần 70kg sau một thời gian kiên trì đánh vật với đám tạ ở phòng gym. Tuy nhiên, anh nhận ra rằng cơ thể từ đùi trở lên tương đối ổn; trong khi đó bắp chân lại quá bé so với phần thân trên.
Kể từ đó, anh chuyên chú tập bắp chân hơn nhưng hiệu quả vẫn không được như mong muốn. Anh lại càng cảm thấy nản khi một vài người tập cùng vỗ vai nói rằng, bắp chân có tập đến mấy cũng không lên được đâu vì bẩm sinh đã thế rồi.
Mang thắc mắc đi hỏi HLV thì mới vỡ lẽ là do bản thân lúc trước chưa chú tâm đến tập bắp chân; sau thì lại tập nhiều hơn mức cần thiết. Điều đó dẫn đến bắp chân khó phát triển tương xứng với tổng thể toàn cơ thể.
Phục hồi ra sao?
HLV Nguyễn Kiên của CLB Gym Eva (Hà Nội) cho biết trường hợp như anh Sinh không hiếm gặp tại các phòng tập hiện nay. Các học viên, nhất là những người mới tập chỉ lăn xả vào các bài tập ngực, vai, đùi hay tay mà quên mất rằng bắp chân cũng là một nhóm cơ cần được đầu tư với những bài tập được thiết kế dành riêng cho nó.
HLV Nguyễn Kiên chia sẻ: “Bắp chân là nhóm cơ nằm phía sau cẳng chân. Đây là một trong những nhóm cơ phải hoạt động nhiều nhất của cơ thể. Có nhiều nguyên nhân khiến bắp chân tập mà vẫn không to: Tập không đủ; Tập quá nhiều, tập liên tục không để cơ bắp chân có thời gian nghỉ ngơi và hồi phục...”.
Còn về lý do cơ địa nên tập không to được thì HLV Nguyễn Kiên bác bỏ và cho rằng, đấy chỉ là cách nói theo chủ nghĩa kinh nghiệm của các học viên. Còn muốn cơ bắp chân phát triển tương xứng với cơ thể thì cũng cần phải dành thời gian và chú ý đến cách tập, cũng như bài tập.
Ngoài ra, vấn đề hồi phục cũng rất quan trọng. Có hai kiểu hồi phục: Giữ buổi tập và sau buổi tập. Hồi phục giữa buổi tập khoảng từ 1-3 phút tùy cường độ và khối lượng tập. Hồi phục sau buổi tập từ 2-3 ngày cho các nhóm cơ nhỏ; 4-5 ngày cho các nhóm cơ lớn. Và như vậy, với bắp chân nên nghỉ hồi phục khoảng 2-3 ngày.
Chọn giầy tập gym/tạ thích hợp
Tập thể thao nói chung và gym nói riêng, lựa chọn một đôi giày vừa vặn, thoải mái và phù hợp có ảnh hưởng khá quan trọng đến kết quả tập luyện, nhất là với cơ bắp chân.
Trên thị trường có rất nhiều loại giày; nhưng người tập lưu ý những điểm chính sau để có được một đôi giày phù hợp: Nên chọn đôi giày có đế êm, trọng lượng nhẹ. Đế giày chắc chắn nhưng phải mềm mại bảo vệ tối đa gót chân và lòng bàn chân. Mũi giày vừa phải không bó sát gây đau các đầu ngón chân.
Khi chọn giày hãy thử đi lại vài bước, nếu thấy trọng lượng cơ thể dồn không đều xuống chân mà chỉ tập trung vào mũi hoặc đế giày thì trong lúc tập dễ ngã, lật cổ chân hoặc sai khớp… Khi thử giày, nếu thấy các ngón chân dạt ra hai bên thoải mái là đạt yêu cầu.
Ngoài ra nên để ý mũi giày chịu được ma sát, phần gót có túi khí chống xóc, đệm lót mềm hút ẩm tốt và phải có chức năng giảm xóc.