Thông minh hơn cùng quả cầu 5,5 gram
Thậm chí ở Nhật Bản, có hẳn một loại hình cầu lông truyền thống với vợt hoàn toàn bằng gỗ.
Một cựu học sinh Đông du về cho biết, ở Nhật, người ta cho rằng chơi cầu lông còn giúp người ta thông minh hơn chứ không chỉ là khỏe hơn.
Ở Bắc Giang, ông Phạm Văn Vũ – thầy của hai tay vợt nữ hàng đầu Việt Nam là Vũ Thị Trang và Nguyễn Thị Sen cũng khẳng định điều này…
Người Nhật và cầu lông
Nếu đã xem bộ truyện tranh nổi tiếng của Nhật Bản là Doraemon, chắc chắn bạn sẽ nhớ một tập phim khi cậu bé Nobita chơi cầu lông với các bạn nữ và bị quệt mực vào mặt. Trò chơi cầu lông vừa lạ, vừa quen này rất phổ biến ở Nhật Bản, gọi là Hanetsuki.
Loại vợt dùng để chơi Hanetsuki của người Nhật là vợt làm hoàn toàn bằng gỗ, nhỏ vừa tay, gọi là Hagoita. Chiếc Hagoita này thường được trang trí rất tỉ mỉ, với những họa tiết truyền thống rất đẹp, đôi khi là các nhân vật trong kịch cổ truyền Nhật Bản. Quả cầu lông có màu sắc sặc sỡ được sử dụng trong trò chơi này có tên Hane. Khác với cầu lông thông thường, trò chơi cầu lông của Nhật Bản không dùng đến lưới.
Bởi cầu lông truyền thống Nhật Bản hướng tới không phải là tranh giành chiến thắng mà hướng tới sự khéo léo, nhịp nhàng, tập trung tuyệt đối – điều này được rèn luyện ngay từ lúc các em bé Nhật còn rất nhỏ.
Toán học và cầu lông
Tưởng chừng hai lĩnh vực này chẳng liên quan gì với nhau cả, ấy vậy mà ông Phạm Văn Vũ lại quan niệm hoàn toàn khác. Toán học là nền tảng của mọi môn khoa học cũng như cầu lông là nền tảng của sức khỏe lâu dài.
Quan niệm của ông hấp dẫn cả Liên đoàn cầu lông thế giới. Họ cho rằng quan niệm của ông Vũ rất hiện đại, mới lạ và là mô hình đào tạo rất đáng học tập, cần được truyền bá toàn thế giới.
Gặp ông ở khóa học Shuttle Time do Liên đoàn cầu lông thế giới, Hiệp hội cầu lông châu Á và Liên đoàn cầu lông Việt Nam phối hợp tổ chức ở Bắc Giang, nhiều phóng viên ngạc nhiên bởi học trò chăm chỉ ghi chép nhất cũng chính là người thầy dạy toán và cầu lông nổi tiếng cả thế giới này.
Sự cầu thị của ông Phạm Văn Vũ, niềm đam mê cầu lông, sự hy sinh của ông chính là chìa khóa làm nên những tài năng cầu lông ở Bắc Giang nói riêng và Việt Nam nói chung.
Khác với nhiều người, ông Vũ học mọi lúc, mọi nơi. Chỉ là một anh bộ đội phục viên thích chơi cầu lông, ông muốn truyền cảm hứng đến thế hệ trẻ niềm đam mê của mình. Nhưng làm gì để thu hút các cháu đi tập, khi ở Cầu Chính, Tân Dĩnh, Lạng Giang, trẻ em hoàn toàn chẳng biết đến thể thao, suốt ngày mải mê giúp việc gia đình, ăn còn chẳng có, lấy gì mà tập, giày đâu, vợt đâu?
Nhiều tháng ngày trăn trở, ông Vũ đã nghĩ đến toán học. Miền quê dù có nghèo khó nhưng học hành luôn là ưu tiên hàng đầu của các phụ huynh. Và ông Vũ đã dùng toán học để truyền đam mê tới cầu lông. Bám chặt mục đích, ông Vũ đi học toán cấp 1, 2, 3 từ đầu, đi dự giờ hàng chục buổi để “học lỏm” kỹ năng sư phạm, rồi mua sách để tự học.
Vũ Thị Trang, Nguyễn Thị Sen là một trong những học trò thành công nhất của ông từ trước tới nay. Hàng trăm học trò đã “qua tay” chăm bẵm của ông, sáng sớm tập cầu lông, rồi đi học, chiều về lại tới nhà ông đánh cầu lông, tối học văn hóa.
Càng dạy toán, dạy cầu lông ông càng nghiệm ra, phải có sức khỏe thì mới học tập tốt được. Mà cầu lông là một trong những môn thể thao toàn diện bậc nhất, đặc biệt hợp với trẻ em. Càng tập cầu lông, sự tập trung càng cao, tay khéo, mắt tinh, tư duy chiến thuật tốt, thông minh, nhanh nhạy hơn rất nhiều, cơ xương cũng phát triển đều đặn, hệ hô hấp tốt. Tập đều đặn cả đông lẫn hè trong cái sân nhà cũ nát không mái che mà chẳng bé nào ốm cả. Toán học lại càng tốt cho trẻ. Học toán tốt, cũng có nghĩa là tư duy sắc bén. Kết hợp hai loại hình, học trò thầy Vũ quả thật “văn võ song toàn”. Học trò thầy Vũ luôn học giỏi nhất lớp, khỏe mạnh chẳng tốn đồng thuốc nào cả năm trời. Tiếng lành đồn xa. Thế là từ lúc phải mời gọi học trò, đến nay, học trò thầy Vũ lên tới hàng trăm cháu.
Ông Vũ quan niệm, cầu lông và toán học, càng cơ bản, càng là nền tảng lâu bền. Chính vì vậy mà về toán, học trò thầy Vũ đứng đầu lớp nhiều năm, dễ dàng thi đỗ cấp III. Về cầu lông, học trò thầy Vũ cũng đứng Top đầu thế giới.
Vũ Thị Trang và Nguyễn Thị Sen tưởng chừng chỉ biết đến cầu lông thôi nhưng thực ra, hai cô bạn hàng xóm cách vách nhau này là những học trò giỏi toán nhất của thầy Vũ. Thật tuyệt vời.
Vậy còn chờ gì nữa mà không cho con em mình tập cầu lông hay bất kỳ môn thể thao nào khác? Thể thao không phải là… “tứ chi phát triển” mà thực sự hỗ trợ cho sự phát triển toàn diện của con người.
Cách chọn vợt cho trẻ em:
Không nên tự đi chọn vợt cho trẻ em khi không có kinh nghiệm.
Chỉ nên mua vợt cho bé khi ghi danh vào một CLB để có sự đào tạo bài bản nhất cho các em – Chơi đúng mới tốt cho sự phát triển bền vững.
Nên biết về một số tiêu chí cơ bản để mua cho bé vợt hợp lý nhất: Vợt nên dùng loại vợt cân bằng (even balance); hơi dẻo (flexible); nhẹ như 4U (80-84 gram) hoặc 5U (dưới 80 gram).
Không tham rẻ. Vợt tầm dưới 300 ngàn đồng/chiếc thường nặng, cứng và không bền. Trong khoảng từ hơn 300 ngàn đồng đến 1 triệu đồng, bạn có thể chọn được vợt tốt nhất cho bé.
Các vợt chính gốc chắc chắn có mã vùng phân phối sản phẩm như SP (Singapore), TL (Thái Lan), IP (Indonesia), TW (Đài Loan). Số serie khắc trên cán.