Water Ski: Từ đời thường đến SEA Games

thứ tư 24-6-2015 17:56:01 +07:00 0 bình luận
Có mặt tại SEA Games từ năm 2011, water ski đã trở thành môn thể thao đỉnh cao được nhiều nước nhiệt tình tham gia nhờ khả năng xã hội hóa cao độ.

Ở Việt Nam, water ski không còn xa lạ, trên thực tế, đã xuất hiện từ những năm 70 thế kỷ trước, được biểu diễn tại Hồ Tây và nhận được sự quan tâm của đông đảo thanh thiếu niên.

Một loại hình thể thao mạo hiểm

Không hiểu sao, dù là phụ nữ, nhưng tôi rất đam mê những môn thể thao độc đáo, thậm chí cảng nguy hiểm, càng kích thích càng tốt. Vì vậy mà tại SEA Games 28, dù đoàn TTVN chẳng có lấy một VĐV water ski nào tôi vẫn lang thang ra vịnh Marina để ngắm các màn biểu diễn tuyệt đỉnh của các tuyển thủ môn này đến từ các quốc gia Thái Lan, Malaysia, Philippines, Singapore, Indonesia…

Cứ thử tưởng tượng xem, một chiếc cano 200 mã lực kéo bạn băng băng trên nước rồi bạn làm đủ “trò quậy”: nhào lộn, chồng tháp (đồng đội), bay lên không trung. Mà đâu chỉ người lớn chơi, người trẻ tuổi nhất đại hội thể thao Đông Nam Á vừa qua là VĐV water ski (lướt ván trên sông), bé Adam Yoong Hanifah mới có 7 tuổi.  Điều này chứng tỏ sức hút kỳ lạ của bộ môn này.

Khác biệt giữa water ski và windsurfing chính là ở chiếc cano. Surfing (lướt ván trên biển) hoàn toàn dựa vào sức đẩy của những con sóng, phụ thuộc rất lớn vào thời tiết và vùng biển, người chơi buộc phải biết bơi. Water Ski (lướt ván trên sông hay biển lặng) thì ngược lại, dựa hoàn toàn vào sức kéo của cano, chỉ cần mặt nước tĩnh lặng thì ở đâu cũng chơi được và người chơi luôn nổi nhờ áo phao chuyên dụng.

Dù vậy, tôi vẫn xin mạn phép được viết rằng đây là Lướt ván.

“Quý tộc” mà thích “cực khổ”

Quý tộc là bởi không phải ai cũng đủ tiền chơi. Chỉ riêng việc mua một bộ đồ lướt ván, bộ quần áo bơi chuyên dụng, chung tiền mua một chiếc cano hoặc thuê để chơi chung cũng đã là rất “oải” rồi. Ít nhất thì đầu tư ban đầu cũng phải vài chục triệu đồng.

Còn cực khổ thì càng chuẩn. Cứ thử nghĩ xem, trời nắng chang chang, mặt hồ- sông không có một cơn sóng nhẹ, đáng nhẽ nên ở nhà bật điều hòa lên ngủ, thì  lại mặc bộ đồ bơi kín chỉ thua mỗi đồ lặn, mặc áo phao, cầm lấy chiếc dây nối một đầu với cano. “Bay” lên thiên đường lướt ván chăng? Hoàn toàn không phải. Bạn đã sẵn sàng để đến với sự “tra tấn” toàn thân chăng.

Nếu như bay bổng chỉ cần vài lần bay và nắm chắc kỹ thuật bung dù, xem hướng gió và thưởng thức sự tự do thì lướt sóng chao ôi là khổ. Chân mà không cứng như thép nguội thì chỉ có nước ôm chân khóc cả tuần. Tay mà không khỏe, không dẻo thì cũng mất cảm giác mất ngày. Tập mấy ngày đầu, mặt mũi đập xuống sông chan chát, không xưng vếu lên như cái bánh đa thì cũng lạ.

Sau buổi tập đầu tiên, ai cũng muốn vứt ngay cái dây néo xuống và nằm vật ra trên bãi cát sông. Mệt tưởng đứt hơi, nhưng mà “phê” lắm.

Vượt qua được khó khăn ban đầu, sẵn sàng đóng hội phí 3 triệu/ tháng, sẵn sàng đầu tư khoảng 50 – 100 triệu vào thiết bị, tiếp tục đến với lướt ván ở buổi tập thứ 2 ư?  Chúc mừng bạn đã sẵn sàng đến với lướt ván.

CLB độc nhất vô nhị tại Việt Nam

Nhìn các VĐV ĐNÁ thi đấu, tôi cũng chép miệng, ở Việt Nam chắc không có. Nào ngờ, từ năm 2011, đã có 1 CLB lướt ván thành lập tại Tp Hồ Chí Minh mà đến giờ vẫn “duy ngã, độc tôn”. Điều này rất lạ bởi nhiều loại hình thể thao mạo hiểm khác đang nở rộ như “nấm sau mưa”,  trong khi chơi lướt ván cũng không quá đắt đỏ.

Giá một bộ ván lướt cũng tùy loại, đơn, kép, chất liệu, với mức tối thiểu là 1.000 USD. Nếu so với nhiều môn thể thao khác, như dù lượn thì cũng không đắt lắm. Mà giới trẻ Việt Nam thì “thích là nhích” vốn vẫn là chuyện thường.

Thực tế chính là kỹ thuật lướt ván trên sông dù nhìn thì thích song không hề đơn giản. Không hổ danh là môn thể thao mạo hiểm, thích hợp với những ai mong muốn rèn luyện sức khỏe và sự dẻo dai, lướt ván đòi hỏi một nền tảng thể lực tuyệt vời.

Dù chỉ có 1 CLB, song các thành viên của nó cũng hết sức “chịu chơi” và số hội viên càng ngày càng tăng lên nhanh chóng, mà hiện tại đã là trên trăm người. Thậm chí, lãnh đạo CLB còn sẵn sàng bỏ tiền túi đi học các lớp đào tạo chuyên nghiệp và trọng tài quốc tế để chuẩn bị cho các giải đấu giữa các thành viên trong CLB. Thế mới kinh!.

Rất mong rằng, Việt Nam sẽ sớm có đội tuyển Water Ski để góp mặt ở kỳ  SEA Games tiếp theo.

MY MY

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Bùi Thu Hường

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội