Tập luyện chuyên sâu: Vấn đề mất cân bằng cơ bắp và ví dụ từ nhân vật Bucky tay sắt của Marvel
Mất cân bằng cơ bắp
Mất cân bằng cơ là khi một số cơ bắp trong cơ thể khỏe hơn hoặc phát triển hơn những cơ bắp khác. Nguyên nhân có thể do một chương trình tập luyện không cân bằng, hoặc sai kỹ thuật, sai tư thế, ít vận động (trong một số nhóm cơ), do đặc thù vận động trong ngày hoặc do bẩm sinh.
Hậu quả là gì?
Mặc dù việc tăng cường cơ bắp nói chung là có lợi, nhưng quá tập trung vào một số vùng cơ bắp trên cơ thể và bỏ bê những vùng cơ bắp khác có thể dẫn đến một số vấn đề tiềm ẩn.
Mất cân bằng cơ có thể dẫn đến các vấn đề về thể chất như những cơn đau, nhức mỏi, hạn chế khả năng vận động, ngoại hình không cân đối. Những mất cân bằng này dẫn đến tăng nguy cơ chấn thương do cơ thể thiếu ổn định. Sự bất ổn này có thể dẫn đến tăng nguy cơ tổn thương khớp, cơ, xương, gân, dây chằng và các mô liên kết xung quanh.
Dạng mất cân bằng cơ bắp phổ biến
Một trong những lý do phổ biến nhất dẫn đến mất cân bằng cơ bắp là do không chú trọng vào các cơ đối kháng. Cơ bắp có thể phân thành 2 dạng: Cơ đẩy và cơ kéo. Trong mọi vận động của cơ thể đều có sự tương hỗ của 2 nhóm cơ này với nhau. Chẳng hạn, cơ bicep là cơ có trách nhiệm co cánh tay lại trong khi cơ tricep là cơ có trách nhiệm duỗi thẳng cánh tay. Trong lúc co tay, bicep sẽ hoạt động, tricep nghỉ và ngược lại.
Tuy nhiên, mất cân bằng cơ bắp sẽ xảy ra khi vận động viên chú trọng một nhóm cơ hơn mức bình thường. Khi đó, nhóm cơ được chú trọng đó sẽ khỏe hơn nhóm cơ đối kháng của nó và khiến cho cơ đối kháng gặp nhiều khó khăn và áp lực hơn trong việc vận hành và gây nên chấn thương hoặc ảnh hưởng khả năng vận động. Lấy ví dụ từ bicep và tricep: Giả sử vận động viên A có cơ bicep to, nặng, điều đó sẽ đồng nghĩa với việc cơ tricep phải chịu áp lực lớn hơn để có thể thực hiện động tác duỗi thẳng tay vì sức co của bicep là quá lớn và khối lượng cơ cũng nặng hơn so với tricep.
Cơ thể hình và cơ võ thuật
Các khái niệm gây nhầm lẫn nhiều trong giới thể thao chính là việc lẫn lộn giữa "tập tạ", "thể hình", "tạ cho võ"... Đầu tiên hãy xét đến nhu cầu và mục đích của các dạng tập này.
Thể hình: Mục tiêu của thể hình là làm sao để cơ bắp to nhất, đẹp nhất và quan trọng là phải đồng đều nhất. Một số vận động viên thể hình nổi tiếng thường bị đánh giá là "to thấy gớm" vì kích thước cơ bắp quá khổ của họ. Đương nhiên, cơ bắp to cũng chỉ là một phần yêu cầu trong công việc của họ mà thôi.
Tập tạ: Miễn là các bài tập liên quan đến tạ thì sẽ tạm gọi là tập tạ. Bất kể mục đích của người tập là gì.
Tạ cho võ thuật: Về mảng tạ cho võ thuật, đây là một vấn đề cần đầu tư thời gian nghiên cứu, tìm hiểu kỹ vì mỗi môn võ lại yêu cầu nền tảng thể chất khác nhau. Chẳng hạn như các môn võ grappling thường được chú trọng phát triển tập tạ cho nhóm cơ kéo thì các môn striking đòi hỏi võ sĩ phải có sức đẩy cơ lớn, từ đó sự phân bố cơ bắp sẽ thay đổi theo tùy môn (môn quần vợt, đánh golf có tỉ lệ lệch cơ khá cao vì đặc thù môn chơi). Các yếu tố này cũng sẽ phải bổ trợ cho nhau, nhưng đó là một vấn đề khác và sẽ không được nhắc đến trong bài viết này.
Đi vào sâu hơn về vấn đề lệch cơ trong võ thuật, người viết sẽ lấy bộ môn Boxing làm ví dụ.
Cơ bắp trong Boxing
Không cần phải đào quá sâu cũng có thể đưa ra nhận định rằng Boxing là môn võ đòi hỏi sự phát triển của các nhóm cơ đẩy để phục vụ cho những cú đấm. Lật sâu hơn vào vấn đề, bạn sẽ càng nhận ra rằng, nền tảng sức mạnh của cú đấm trong Boxing không nằm ở độ nở của ngực mà là sự phát triển của cơ vai và hông, nhưng chân lại là điểm tựa của 2 nhóm cơ kể trên, vì thế chân cũng cần phải được chú trọng tập luyện.
Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu như người tập chỉ cố tập các nhóm cơ đẩy mà không tập các nhóm cơ kéo? Các nhóm cơ kéo của người tập khi đó sẽ quá yếu, gây ra sự mất cân bằng.
Nêu ví dụ đơn giản từ cú đấm: Sức mạnh của cú đấm đến từ cơ hông, chân và vai (các nhóm cơ đẩy). Tuy nhiên, đấm xong thì phải thu tay về, các võ sĩ này lại có một lượng cơ đẩy quá lớn khiến cơ đối kháng của động tác đấm phải chịu áp lực quá nhiều khiến cho chúng dễ chấn thương. Hơn nữa sức nặng từ nhóm cơ đẩy khiến cho nhóm cơ kéo phải sử dụng nhiều năng lượng hơn, qua đó mỏi hơn bình thường.
Mặt khác một võ sĩ nếu chỉ mạnh về nhóm cơ đẩy, cơ thể của anh sẽ bị dồn trọng lượng về phía trước do sự chênh lệch khối lượng giữa các cơ đối kháng. Điều này gây ảnh hưởng đến form thi đấu, đi đứng, sinh hoạt và quan trọng nhất là khả năng thăng bằng của tay đấm này sẽ bị ảnh hưởng nặng.
Nhân vật Bucky của Marvel
Người viết sẽ lấy ví dụ từ nhân vật giả tưởng này để tránh các hiểu lầm không cần thiết khi nêu tên người thật. Đối với Bucky, đây là một siêu chiến binh có một cánh tay bằng sắt của vũ trụ siêu anh hùng nhà Marvel.
Nhìn vào nhân vật này, có thể thấy rõ nét nhất chính là sự chênh lệch về khối lượng giữa tay trái (bằng titan) và tay phải (cơ bắp con người). Vì sự chênh lệch về khối lượng này, cơ thể Bucky sẽ bị lệch về bên trái nhiều hơn. Do đó, để đảm bảo cơ thể cân bằng, vùng cơ core ở phía bên phải sẽ kéo căng hết cỡ để đảm bảo Bucky có thể đứng thẳng.
Tuy nhiên, phải mất một thời gian dài vùng core phải mới có thể làm quen được với cánh tay sắt mới này, do đó, trong quá trình cân bằng kéo dài khoảng 1 đến 2 tháng, xương sống của Bucky sẽ là thứ bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Bên cạnh đó, mỗi khi tung đấm bằng cánh tay sắt, cơ bắp Bucky sẽ phải chịu nhiều áp lực để nâng được cánh tay ấy lên, như vậy các vùng cơ bên trái của Bucky sẽ phải phát triển to hơn so với bên phải (vốn chỉ có vùng core khỏe như đã nêu), dẫn đến sự lệch trục cân bằng của cơ thể. Vùng core trái bị dồn nén dưới áp lực tay trái quá lâu sẽ yếu hơn vùng core phải và cuối cùng Bucky sẽ liên tục gặp chấn thương trong quá trình tập luyện lẫn chiến đấu.