Vì sao cầu thủ “xấu” hơn người thường? (Bài 1)
Cái răng mái tóc là góc con người. Nhưng với giới cầu thủ chuyên nghiệp, hàm răng xấu hay tốt ảnh hưởng rất lớn đến phong độ và sự nghiệp của họ…
Mất hợp đồng chỉ vì răng
Trung tuần tháng 06/2009, Porto và Milan hoàn tất mọi thủ tục đàm phán về vụ chuyển nhượng Aly Cissokho. Theo đó, hậu vệ cánh trái sinh năm 1987 người Pháp này sẽ gia nhập đội chủ sân San Siro với mức giá 15 triệu euro. Chủ tịch Adriano Galliani còn tuyên bố, Cissokho là hậu vệ xuất sắc nhất thế giới mà Milan sắp có được.
Chiều 18/06/2009, Aly Cissokho tiến hành kiểm tra y tế và tất cả đã chắc ngôi sao người Pháp này đã thuộc về San Siro. Tuy nhiên chẳng ai ngờ, Cissokho lại không vượt qua được đợt kiểm tra răng miệng kéo dài tới 2 giờ đồng hồ. Bản hợp đồng bị hủy, Cissokho sau đó phải gia nhập Lyon cũng với mức giá 15 triệu euro.
Trên Sky Sport, Galliani lý giải: “Đội ngũ bác sĩ của chúng tôi đã kiểm tra rất kỹ và phát hiện ra Aly Cissokho có vấn đề về răng. Vấn đề của anh ấy có thể ảnh hưởng tới cơ bắp”.
Ngôi sao hiện đang thuộc biên chế Aston Villa cũng thừa nhận mình bị Milan khước từ vào phút chót vì răng. Nhưng có điều, theo Cissokho, răng miệng chỉ là cái cớ để Milan hủy kèo với Porto vào phút chót. Cissokho quả quyết: “Tôi đã ký hợp đồng với Milan và tất cả những gì còn lại chỉ là Chủ tịch Milan chuyển tiền cho Chủ tịch Porto. Nhưng tôi lại bị loại vì răng có vấn đề, đó chỉ là cái cớ, vì trong suốt 2 giờ đồng hồ kiểm tra, các bác sĩ nói răng tôi không sao cả”.
Tại sao cầu thủ hay bị sâu răng?
Chỉ cần một vấn đề nhỏ về răng, cầu thủ có thể lỡ một bản hợp đồng lớn mang tính bước ngoặt trong sự nghiệp. Nhưng theo điều tra, nghiên cứu của các tổ chức về răng miệng, trường hợp “răng xấu” như hậu vệ Aston Villa không hiếm.
Tháng 11 năm ngoái, Trung tâm Quốc tế về sức khỏe răng miệng thuộc Đại học London đã tiến hành khảo sát răng của 187 cầu thủ tại Anh. Kết quả là, 37% cầu thủ có ít nhất 1 chiếc răng có vấn đề, 77% cần trám răng (phần lớn cần trám hơn 5 chiếc) và viêm lợi.
Điều đáng nói là, 40% cầu thủ bị phát hiện sâu răng. Trong khi đó, với những người bình thường ở độ tuổi tương tự, số lượng bị sâu răng chỉ chiếm 30%. Câu hỏi đặt ra là, tại sao giới cầu thủ lại thường gặp vấn đề về răng miệng?
Theo giáo sư Giáo sư Ian Needleman của Đại học London, chế độ dinh dưỡng là nghi phạm đầu tiên dẫn đến hiện tượng răng của cầu thủ bị ảnh hưởng xấu. Bởi lẽ cầu thủ thường xuyên dùng loại thực phẩm có đường hoặc có tính axit, những loại thực phẩm này có khả năng làm xói mòn và sâu răng.
Mặt khác, trong quá trình tập luyện, cầu thủ cần thở nhiều bằng đường miệng, không khí qua lại làm khô miệng dẫn tới hiện tượng răng ít được bảo vệ bằng nước bọt. Nhưng nguyên nhân quan trọng nhất, theo nhóm nghiên cứu, đó là rất ít các đội bóng chú trọng đến vấn đề sức khỏe răng hàm miệng của giới cầu thủ trong công việc chăm sóc y tế tổng thể.