Khống chế tiểu đường bằng tập luyện
Tập luyện quan trọng như đơn thuốc
Cách đây không lâu, anh Nguyễn Việt – Quản lý CLB Gym Thanh Niên (Hà Nội) tiếp nhận một học viên khá đặc biệt đến đăng ký tập. Học viên này khoảng trên 30 tuổi, nhưng đã có tiền sử bệnh tiểu đường đã được gần 3 năm. Để cải thiện sức khoẻ và kiểm soát bệnh tốt hơn, chị được các bác sỹ khuyên nên tập thể dục thể thao thường xuyên hơn.
Bác sỹ Hoàng Công Thỏa (Binh đoàn 11, Bộ Quốc phòng) cho biết: Với bệnh nhân tiểu đường, tập thể dục thường xuyên được xem như một trong những phương pháp điều trị ưu tiên không khác gì các đơn thuốc. Tập thể dục thường xuyên giúp giảm lượng đường trong máu trong và sau khi tập, giúp cải thiện việc kiểm soát lượng đường trong máu tốt hơn.
Tập để phòng bệnh
Chị N.M.Hương – học viên nói trên đã được các HLV sắp xếp một lịch tập và những bài tập phù hợp để đạt được kết quả tích cực. Tuy nhiên, chị Hương cũng được khuyến cáo trước khi bước vào chế độ tập luyện cần được các bác sỹ tư vấn và khám đầy đủ đề phòng các biến chứng. Và chị được khuyến chọn bất cứ môn thể thao nào yêu thích hoặc những môn thể thao theo nhóm. Chị quyết định chọn chạy bộ và đi xe đạp.
Trước mắt, chị Hương sẽ chạy bộ khoảng 15-19km/tuần, sau đó sẽ tăng dần lên khoảng 65km/tuần. Chị cũng được nhắc nhở nên bắt đầu một cách từ từ, sau đó mới tăng dần khối lượng vận động. Ngoài ra, chị cũng chọn thêm xe đạp để tập luyện.
Tuy nhiên, với những người bình thường thì tập thể dục cũng là cách để phòng chống tiểu đường. Mới đây, các nhà khoa học thuộc Đại học Nam California (Mỹ) cho biết những người vị thành niên bị chứng thừa cân có thể giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 nếu thực hiện các bài tập thể hình đơn giản. Kết quả này căn cứ trên những người béo phì tuổi từ 14-17 tập 2 lần/ tuần trong 5 tháng; theo đó, tập thể hình cải thiện tình trạng kháng insulin (dẫn đến tiểu đường tuýp 2).
Ngoài ra, các nhà khoa học Phần Lan cũng phát hiện ra rằng: Với những người bình thường, đi xe đạp nửa giờ mỗi ngày cũng có thể giảm nguy nguy cơ mắc bệnh tiểu đường đến 40%.
Trong lúc tập, cơ bắp hút đường glucose để làm năng lượng; khiến nồng độ glucose trong máu giảm. Tuy nhiên, các bài tập mạnh có thể có tác động ngược lại, làm tăng nồng độ glucose trong máu. “Do vậy, những người tiểu đường khi tập luyện cần phải lưu ý về các bài tập cũng như khối lượng vận động, Tiến sỹ Mindell thuộc trường Cao đẳng Y khoa London (Anh) cho biết.
Một nghiên cứu khác của các nhà khoa học thuộc Trường Y khoa Havard (Mỹ) và Đại học Southern Denmark (Đan Mạch) cho biết: Những ai chạy bộ hơn 150 phút/tuần cùng với cử tạ ít nhất 150 phút/tuần giảm được 59% nguy cơ bị tiểu đường tuýp 2 so với những người không tập luyện.
Phu Thong
Với những người bị tiểu đường, khi tập luyện cần phải lưu ý để các bài tập có hiệu quả tốt nhất chỉ nên tập sau khi ăn 1-3 tiếng; tiêm insulin ít nhất 1 tiếng trước khi bắt đầu tập. Nếu phải tiêm trước khi tập chưa đến 1 tiếng thì tiêm vào các vùng ít vận động (như bụng), không nên tiêm ở đùi; thay đổi chế độ điều trị insulin hàng ngày, thường là phải giảm liều mũi tiêm insulin trước khi tập.