“Muốn khỏe đẹp thì phải tập thể thao”
Tập thể thao cùng các chuyên gia
Cùng với nhu cầu của cuộc sống, các trung tâm thể thao dành cho các bé nở rộ ở mọi thành phố, đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM. Việc đăng ký cũng rất đơn giản bởi các trung tâm đến tận từng trường học để tiếp thị, thu hút các bé cũng như phụ huynh quan tâm. Tuy nhiên, giá cả vẫn là điều đáng nói. Bên cạnh đó, các thầy cô đều khá trẻ, nhiều người không thật sự vững về chuyên môn.
Tôi vốn cẩn thận nên chỉ đặt niềm tin vào những HLV thực thụ, các VĐV giỏi có tiếng. Họ cũng mở lớp dạy thể thao và chỉ dẫn các em rất bài bản. Dắt bé Mốc – con trai đầu mới 5 tuổi đến số 10 Trịnh Hoài Đức (Trung tâm huấn luyện thể thao cấp cao Hà Nội) tôi bị sốc bởi mật độ học trò tập thể thao ở đây và yên tâm tuyệt đối với sự dạy dỗ của toàn tuyển thủ nổi tiếng như Nguyễn Mai Phương hay Đỗ Đức Cường (vô địch quốc gia, châu Á và thế giới nhiều năm) của môn wushu và rất nhiều tuyển thủ khác ở môn karatedo, taekwondo, cầu mây và cả bơi lội nữa.
Tuyển thủ quốc gia Nguyễn Mai Phương cho biết: “Bọn em nhận học trò quanh năm nhưng đông đảo nhất là vào mùa hè, khi các bé được nghỉ. Tiền học cũng rất rẻ nên phụ huynh ưu ái lắm. Trung bình tiền học 1 tháng là 400.000 đồng, tuần 3 buổi, tiền trang phục của wushu là 200.000 đồng/1 bộ”.
Chị Thu Quỳnh (Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: “Chị cho con tập được 1 năm rồi, tập từ hè năm ngoái, đến nay bé đã rất cứng cáp, mạnh mẽ và nam tính. Tập võ rồi bé lại muốn tập chạy bộ với mẹ để tăng cường thể lực. Bé cũng ngưỡng mộ cô Phương và thầy Cường lắm. Đại hội thể thao toàn quốc năm ngoái, lúc thầy Cường được HCV, bài thi được quay clip lại, bé nhà chị khoe khắp xóm và bạn bè. Hàng xóm nhà chị đều cho con cái học thể thao ở đây hết. Vừa gần vừa chất lượng”.
Khi đa số các môn thể thao hay nghệ thuật đều tuyển các bé từ 5 tuổi trở lên thì môn thể dục dụng cụ lại tuyển các bé từ 3 tuổi trở lên. Nhưng đừng lo các con phải tập nặng và khổ cực như nhiều người lầm tưởng. Tập thể dục dụng cụ cho các bé từ nhỏ sẽ giúp các cháu yêu thể thao và tự tin với cơ thể của mình hơn rất nhiều.
Nghe lời “quảng cáo” của Đỗ Ngân Thương – được mệnh danh là “búp bê thể dục dụng cụ” một thời, từng 4 lần vô địch SEA Games – tôi cũng cho bé nhà mình mới tròn 3 tuổi lên tận Mỹ Đình, cụ thể là Cung điền kinh, thuộc Trung tâm huấn luyện thể thao cấp cao Hà Nội để tập.
Mục sở thị mới thấy, hóa ra tập thể dục dụng cụ cho bé không đáng sợ như những tấm ảnh “khủng khiếp” về công nghệ đào tạo “sắt đá” của thể dục dụng cụ Trung Quốc mà ngược lại, còn vui hơn là cho con em mình đến các tụ điểm trò chơi dành cho các bé như nhà bóng, nhà vận động khá nhiều. Tập luyện vui vẻ lại được mặc quần áo đẹp, bé nào cũng rộn ràng.
Hai bé nhà tôi mê mệt với trò nhảy đệm lò xo, nhảy chống (loại thấp cho bé), xà kép, xà đơn, thảm tự do. Lớp vắng, khoảng 10 bé được cô Đỗ Thuỳ Giang (HLV Đội tuyển quốc gia và Tuyển Hà Nội nhiều năm nay) hướng dẫn, còn 10 bé khác được Ngân Thương chỉ bảo.
Bé Thúy Vy, mới 6 tuổi nhưng đã thể hiện rõ năng khiếu thể dục của mình cho biết: “Nhà con trong làng Phú Đô. Mẹ cho con đi tập để con bớt nghịch. Tập thể dục vui lắm. Tuần nào không được đi tập thì con nhớ không chịu nổi. Động tác nào con cũng thích và làm được hết, dễ mà”.
HLV Đỗ Thuỳ Giang cho biết: “Tập thể dục dụng cụ cho các bé không khó khăn như tập chuyên nghiệp mà mang tính vận động khoa học thì đúng hơn. Các bé đến lớp như đi chơi. Mỗi dụng cụ thể thao đều là một trò chơi mới cần được khám phá. Loại hình này lại khá tổng hợp và thay đổi linh hoạt chứ không như các môn khác. Nên tôi tin rằng hợp với trẻ em hơn. Từ những bé này, chúng tôi đã tìm ra nhiều nhân tài cho thể dục dụng cụ Hà Nội”.
Có lẽ cũng vì lý do đó mà Canada – một quốc gia rất mạnh về thể dục dụng cụ – đã chọn môn này là môn thể thao học đường chính thức từ hàng chục năm nay.
Những lợi ích khi bé tập thể dục
Vận động cơ thể thường xuyên khiến cho mạch máu lưu thông tốt, tăng cường chuyển hóa các cơ quan trong cơ thể, đồng thời vận động thường xuyên làm săn chắc các nhóm cơ, tạo sức bền, chống béo phì. Khi có thể lực tốt, bé sẽ có khả năng miễn dịch cao, chống lại những căn bệnh thường xảy ra vào thời điểm giao mùa hay khi có dịch, như: Cúm, sởi, phát ban…
Không chỉ tăng cường thể chất, tập thể dục còn cho bé một trí não tinh thông, sáng tạo, ghi nhớ tốt. Một số môn thể thao đồng đội (như bóng đá, bóng rổ, bóng chuyền…) vừa có tác dụng tăng thể lực lại vừa giúp bé rèn luyện nhân cách, tình đoàn kết, kỹ năng hoạt động nhóm hiệu quả, biết cách ứng xử đúng mực trong các mối quan hệ gia đình và xã hội. Các môn võ giúp rèn cả tinh thần cao thượng, lòng quyết tâm và sự khoan dung.
Trẻ con thường hiếu động nên việc dạy trẻ tập thể dục không khó khăn gì. Tuy nhiên, hướng cho trẻ tập môn gì và tập như thế nào để tăng cường thể lực và rèn luyện sức bền cho trẻ là điều không đơn giản bởi không nhất thiết phải tập thể dục mà hoạt động vận động đúng cách cũng rất hiệu quả. Vì vậy, cần phải có những chuyên gia trong lĩnh vực này. Giao phó con cho các thầy, cô là những HLV, VĐV có lẽ là giải pháp đúng đắn, tạo ra sự an tâm hơn cả. Cũng không khó khăn để tìm đến họ vì các trung tâm văn hóa, thể thao cấp quận, đôi khi là cấp phường đều có trong tay các thầy cô như thế.
Kinh nghiệm cho thấy, để các bé tập hiệu quả nhất, bạn nên cho con đi xem và tập thử vài buổi cho từng môn để bé tìm được môn nào thích nhất. Từ thích mới chuyển sang đam mê và tình yêu đó rất có thể sẽ đi suốt cuộc đời con trẻ.
Tập thể dục giúp các bé có cảm giác sảng khoái, thoải mái, hăng say trong vui chơi, học tập và giúp cha mẹ làm việc nhà…
MY MY