Tập gì khi cơ thể bị cúm?
“Quy tắc cổ”
Những ngày đầu đông vừa qua, diễn biến thời tiết rất thất thường. Vài tuần mới có một đợt không khí rét, kéo dài khoảng 1-2 ngày sau đó, thời tiết lại trở nóng. Kiểu thời tiết này khiến phần lớn mọi người cảm thấy sức khoẻ suy giảm, nhiều người gặp vấn đề về hô hấp đặc biệt là bệnh cúm.
Để tăng sức đề kháng, giúp cơ thể vừa khoẻ mạnh và giữ dáng chuẩn, ngoài việc kết hợp ăn uống lành mạnh, tập thể dục là điều không thể thiếu. Điều này đã được chứng minh trong nhiều nghiên cứu trên thế giới. Tuy nhiên, không phải cứ lao ra đường chạy với cường độ trong thời tiết lạnh; tập yoga khi đường hô hấp không được thông suốt… là có thể tăng sức khoẻ.
Tác giả cuốn sách “Bác sĩ, hãy nói cho tôi sự thật!” kiêm Trưởng ban sức khoẻ, Y học đài ABC - Tiến sĩ Richard Besser khuyên: “Trước khi luyện tập, bạn hãy lắng nghe cơ thể mình, cân nhắc đâu là lựa chọn thể thao tốt nhất cho sức khoẻ”.
Theo ông, người tập nên áp dụng “quy tắc cổ” - tức là, nếu bạn gặp các triệu chứng khó chịu từ cổ trở lên đầu như hắt hơi, chảy nước mũi, ngạt thở thì việc tập luyện thể thao để có thể tiết mồ hôi là an toàn. Nếu người tập cảm thấy việc cố gắng tập luyện khiến cơ thể mệt mỏi hơn, gặp các triệu chứng “dưới cổ” như buồn nôn thì nên dừng lại, để cơ thể nghỉ ngơi. Nếu người tập gắng gượng luyện tập thêm, chỉ “hành xác” cơ thể.
Nên tập gì?
Theo lời khuyên của Tiến sĩ Richard Besser, những người đã mắc cúm nên tránh xa các bài tập thể dục cường độ mạnh. Phương pháp thể dục đầu tiên Tiến sĩ Besser khuyên là… đi bộ. Dù chỉ đi bộ 20 phút cũng có thể giúp bạn đạt được các lợi ích như những bài tập thể dục thông thường. Ngoài ra, nó cũng giúp bạn cải thiện các triệu chứng cảm lạnh. Ông viết: “Nếu bạn bị ngạt mũi, viêm xoang, đi bộ sẽ thúc đẩy cơ thể hít thở sâu, giúp mũi thông suốt hơn”.
Phương pháp luyện tập thứ hai khi bị cúm là chạy bộ. Bác sĩ Andrea Hulse, bác sĩ gia đình nổi tiếng tại Mỹ đồng thời cũng là một VĐV điền kinh cho biết: “Rất nhiều bệnh nhân của tôi là VĐV. Họ đều nói, khi bị mệt, chạy bộ giúp cơ thể cơ thể cảm thấy thoải mái hơn. Chạy bộ là một “phương thuốc làm thông mũi tự nhiên”, giúp đầu óc nhẹ nhàng, cơ thể sớm bình thường trở lại. Nhưng tốt nhất, người tập nên giảm cường độ so với bình thường”.
Theo lời khuyên của Tiến sĩ Besser, yoga và các bài tập thở cũng là phương thức luyện tập giúp tăng cường hệ miễn dịch. Bởi cơ thể thường giải phóng hóc-môn gây căng thẳng cortisol trong khi chống chọi với các triệu chứng nhiễm lạnh thông thường. Người tập nên chọn các bài tập cường độ chậm như Hatha yoga hoặc tập trung vào các tư thế phục hồi có thể tập tại nhà, như “Thế đứa trẻ”, “Thế duỗi chân trên tường”.
Không chỉ vậy, tham gia các lớp tập yoga hoặc nhảy cardio hay thậm chí chỉ cần thả lỏng cơ thể theo các bản nhạc yêu thích khi đang dọn nhà cũng là phương pháp giảm căng thẳng, tăng đề kháng. Một nghiên cứu cho thấy, nghe nhạc nhảy trong 50 phút sẽ giúp giảm hóc-môn cortisol và tăng đề kháng.
Để đề phòng không bị lây nhiễm bệnh tật, không nên tới phòng tập khi cơ thể hắt hơi sổ mũi nhiều. Ngoài ra, khi chưa bị bệnh, cũng cần cẩn trọng với các dụng cụ tập. Bởi đó là “ổ chứa virus, vi trùng” dễ dẫn tới lây lan từ người tập này tới người tập khác. Tại các lớp yoga, bạn nên mang thảm tập riêng hoặc sử dụng khăn trải thảm tập khi thực hành yoga để tránh lây nhiễm virus.
Tác giả cuốn sách: “Bác sĩ, hãy nói cho tôi sự thật!” kiêm Trưởng ban sức khoẻ đài ABC, Tiến sĩ Richard Besser khuyên: “Khi cơ thể bạn khó chịu, ra sức tập thể thao không phải là ý hay. Trong một số trường hợp, những bài tập vận động nhẹ nhàng sẽ giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn”.