Bài tập thể dục dành cho chị em trong ngày "đèn đỏ"
Các nữ VĐV chuyên nghiệp hiếm khi phàn nàn về những phiền toái khi đến "ngày ấy" dù nó gây rắc rối không nhỏ, gây xáo trộn tới sức khỏe, sức chịu đựng, khả năng xảy ra chấn thương và phản ứng cơ thể đối với việc tập luyện.
Mỗi phụ nữ có phản ứng khác nhau khi bước vào ngày "đèn đỏ". Nếu bạn muốn đạt hiệu quả tối đa, hãy lắng nghe cơ thể và “đồng bộ hóa” nhu cầu tập luyện vào chu kỳ hàng tháng.
Hãy tham khảo những quy trình tập luyện sau đây, tâm trạng của bạn có thể tốt hơn nhiều vào cuối các buổi tập.
Trong thời gian "đèn đỏ" (Ngày 1-7)
Chu kỳ của bạn bắt đầu vào ngày đầu tiên của kỳ kinh nguyệt. Vì cơ thể phải vật lộn với chuột rút và chảy máu nên những ngày đầu chính là khoảng thời gian khó khăn nhất để tập luyện.
Không có nghiên cứu cụ thể nào khẳng định nghỉ tập trong giai đoạn này là tốt. Nhưng các chuyên gia khuyên nếu không hứng thú, chị em có thể cho bản thân nghỉ ngơi. Hơn nữa, trong vài ngày đầu cơ thể phải trải qua những cơn chuột rút và thường xuyên thay băng vệ sinh vào ban đêm, khiến giấc ngủ bị gián đoạn, cơ thể mệt mỏi.
Nhưng nếu cảm thấy khỏe mạnh, hãy cứ tiến hành tập, dĩ nhiên theo cách khoa học. Bạn có thể bỏ qua những bài tập cardio hoặc chạy bộ đường dài cần nhiều sức lực. Cách tốt nhất là thực hiện một số tư thế yoga, bài tập nhẹ nhàng cho tim mạch, đi bộ hoặc đạp xe đạp… Bơi là một lựa chọn vô cùng hoàn hảo.
Mẹo hay: Uống thêm một chút nước. Những chị em trải qua chu kỳ kinh nguyệt nặng, mất nhiều máu càng cần uống nhiều nước. Điều này sẽ giúp bạn không bị choáng váng, chóng mặt khi đứng lên khỏi các bài tập một cách nhanh chóng.
Tuần sau chu kỳ kinh nguyệt (Ngày 8-14)
Đây là giai đoạn nồng độ testosterone và estrogen bắt đầu tăng lên. Nó cũng là thời điểm hoàng kim để đạt hiệu quả tối đa, do đó khoảng thời gian này bạn không nên uống thuốc tránh thai nếu muốn đạt hiệu quả tập luyện.
Hãy thắp lại đam mê thể thao vào lúc này bởi bạn sẽ không còn cảm thấy mệt mỏi. Cơ thể luôn tràn đầy sức sống để tập luyện cường độ cao với các bộ môn như chèo thuyền, kick boxing, cardio hay các động tác Boot camp (môn thể thao rèn luyện toàn thân, sử dụng cơ thể làm sức nặng để vận động và di chuyển).
Tuần thứ ba sau chu kỳ kinh nguyệt (Ngày 15-21)
Đây là giai đoạn dễ chấn thương bởi estrogen tăng cao trong cơ thể, khiến bạn cảm thấy các hoạt động trở nên căng thẳng hơn.
Để giảm nguy cơ chấn thương, hãy tìm đến những bộ môn an toàn trên sàn như Pilates, chạy và barre (môn được lấy cảm hứng từ các động tác múa ba lê kết hợp với những tư thế trong Pilates).
Tuần trước khi sang chu kỳ kinh nguyệt (Ngày 22-28)
Lúc này lượng progesterone tăng đột biến trong cơ thể. Một số người thậm chí có thể trải qua cảm giác đau đớn của chuột rút, buồn chán và cáu gắt. Dù sao điều này sẽ không ảnh hưởng đến hiệu suất tập luyện, nhưng việc đổ mồ hôi sẽ không như bạn mong đợi.
Gym là lựa chọn tốt nhất cho giai đoạn này. Đạp xe trong phòng tập giúp bạn gia tăng endorphin trong cơ thể một cách tự nhiên và nhanh chóng nhất, giúp bạn cải thiện tâm trạng.
Bạn cũng nên thực hiện những bài tập yoga nâng cao như Vinyasa yoga hay power yoga. Điều này giúp gia tăng nhịp tim.