Chữa hội chứng ống cổ tay cho dân văn phòng
CTS là gì?
Thanh Mai, nhân viên văn phòng tại một công ty công nghệ cao tại Hà Nội có quy mô khá lớn, nên áp lực công việc nhiều. Thời gian gần đây, cô phát hiện một số vấn đề nghiêm trọng ở cổ tay, bàn tay. Mai chia sẻ, cô thường phải làm việc 55 giờ/tuần kể cả cuối tuần; ngồi 5-7 giờ/ngày bên máy tính, không mấy khi để ý tới sức khoẻ.
“Ban đầu tôi không mấy quan tâm vì nghĩ, chắc công việc mệt mỏi nên tay chân run. Sau này, các triệu chứng ngày càng rõ rệt. Tôi đau bên trong cẳng tay, lan tới cổ tay, có lúc cảm thấy nóng ran trong lòng bàn tay. Đi khám thì được bác sĩ chẩn đoán đã mắc hội chứng ống cổ tay. Nếu không thay đổi thói quen làm việc vận động cổ tay linh hoạt hơn thì có thể khiến bàn tay tổn thương không thể phục hồi”.
Trường hợp của Mai là điển hình mà rất nhiều dân văn phòng đang gặp phải do điều kiện công việc ngồi nhiều, làm việc máy tính, ngại di chuyển, làm việc sai tư thế…
Vậy, Hội chứng hội chứng ống cổ tay - Carpal tunnel syndrome (CTS) là gì? Đó là khi các gân cơ và dây chằng bị các lực nén ép kéo dài gây sưng phồng làm hẹp đường ống nhỏ ở cổ tay, khiến dây thần kinh giữa trong số các dây thần kinh ngoại biên điều khiển bàn tay bị chèn ép, tạo nên hội chứng ống cổ tay.
Lực nén ép có thể do những cử động mang tính lặp đi lặp lại, tư thế sai hoặc khi làm việc, tay liên tục duy trì ở một tư thế cố định nào đó trong một thời gian dài như đánh máy, sử dụng điện thoại, nội trợ, lái xe, vẽ, viết nhiều… Ngoài ra, một số bệnh lý (viêm khớp, tiểu đường, gút, gãy xương lệch trục...) và những yếu tố như căng thẳng, thay đổi nội tiết ở phụ nữ có thể làm tăng nguy cơ mắc hội chứng này.
Các triệu chứng phổ biến của hội chứng ống cổ tay bao gồm: Tê, dị cảm và đau bàn tay; có cảm giác như châm chích chủ yếu ở ngón tay cái, ngón trỏ, ngón giữa và 1/2 ngón đeo nhẫn; cảm thấy đau lan lên cánh tay, vai; bàn tay trở nên vụng về, sức cầm nắm giảm, rối loạn tiết mồ hôi...
Nếu không được điều trị, các triệu chứng sẽ tiến triển thành cơn đau cấp tính kéo dài, đôi khi nghiêm trọng đến mức người bệnh không thể làm được những việc đơn giản trong gia đình vì chức năng bàn tay đã bị tổn thương nghiêm trọng và không thể phục hồi. Nếu nặng có thể phải phẫu thuật.
Trị liệu tự nhiên
Vậy, dân văn phòng là đối tượng có nguy cơ cao gặp hội chứng này phải “cam chịu”? Không hẳn! Thay đổi chế độ làm việc, sinh hoạt, đặc biệt, tập luyện yoga đúng phương pháp thì hoàn toàn có thể ngăn ngừa, phòng tránh và “tạm biệt” với hội chứng này khi mới ở giai đoạn đầu.
11 năm trước, Mai Phương - nhân viên tư vấn du lịch một hãng lữ hành ở Hà Nội, do thời gian làm việc thất thường và khá căng thẳng, cũng bị mắc hội chứng ống cổ tay. “Nhiều lúc tay đau, tê, mất cảm giác khiến tôi không làm được việc. Áp lực chồng áp lực. Cuối cùng, tôi quyết định xả stress qua lớp tập yoga”, Phương kể.
Ngoài những bài tập yoga bình thường với cả lớp, Phương trao đổi tình trạng sức khoẻ với HLV và được chỉ dẫn một số tư thế yoga tập trung làm dịu hội chứng ống cổ tay. Bất ngờ khi một thời gian sau, Phương cảm thấy không những tâm lý thư giãn thoải mái mà những triệu chứng đau cổ tay từ lúc nào biến mất.
“Mình tập yoga đến nay đã 11 năm. Không chỉ tạm biệt hoàn toàn với những căn bệnh văn phòng, mình còn tìm được sự cân bằng, thư giãn”, Phương chia sẻ.
Thực tế, từng có nghiên cứu về tác dụng của yoga trong trị liệu CTS. Nghiên cứu đầu tiên về vấn đề này được Tạp chí Hiệp hội Y khoa Mỹ (JAMA) thực hiện vào tháng 11/1998. Những người tham gia được chia thành 2 nhóm. Một nhóm tham gia 2 lớp yoga/tuần trong vòng 8 tuần, tập trung vào các tư thế thân trên. Nhóm thứ hai sử dụng nẹp cổ tay bằng kim loại để điều trị CTS. Những người tham gia được kiểm tra sức cầm nắm, cường độ cơn đau, chất lượng giấc ngủ và những triệu chứng run tay và thời gian dẫn truyền cảm giác…
Kết quả cho thấy, nhóm tập luyện yoga đều đặn có tiến triển tích cực về sức cầm nắm của bàn tay, giảm cơn đau, xoá các triệu chứng run tay, dị cảm… trong khi nhóm sử dụng nẹp thì không.
Tác giả một cuốn sách nghiên cứu về yoga đồng thời là Giám đốc Studio B.K.S. Iyengar Yoga tại Philadenphia (Mỹ) - bà Marian Garfinkel nhận định: Chúng tôi nhận thấy một số bằng chứng khả quan ban đầu cho thấy yoga có tác dụng trong quá trình điều trị hội chứng ống cổ tay. Tuy nhiên, chỉ yoga thôi chưa đủ. Người mắc CTS cần thay đổi sinh hoạt, không nên làm việc quá lâu, ở cùng một tư thế với máy tính, điện thoại thông minh, chú ý cứ 20 phút lại dành chút thời gian xoay tròn thư giãn cổ tay.
Ngoài tập luyện, nên chú ý tới chế độ ăn uống, để có thể ngăn chặn, cải thiện hội chứng ống cổ tay. Ông Sherry Torkos - tác giả cuốn “Bách khoa liều thuốc tự nhiên” khuyên: Để cải thiện CTS, bạn nên bổ sung một số loại thực phẩm có thể giúp tăng cường chức năng thần kinh. Những thực phẩm dễ kiếm nhất, có sẵn ngoài chợ như các loại đỗ, lòng đỏ trứng, chuối, quả óc chó và ngũ cốc nguyên hạt.