Chuyện kỳ thú của bóng chuyền nam: 12 mùa giải đều có “tân vương”
6 nhà vô địch trong 11 mùa
Năm 2003, Thể Công đã lập nên một kỳ tích lần thứ 3 liên tiếp bước lên ngôi cao nhất của giải VĐQG. Thế nhưng, kể từ đó không còn đội nào được hưởng niềm vui bảo vệ thành công ngôi vị của mình. Đến năm 2015, sau mỗi mùa, bóng chuyền nam Việt Nam lại giới thiệu một nhà Quán quân mới.
Qua 12 mùa, chỉ có Bưu Điện Hà Nội (2005), Thể Công (2007) và Đức Long Gia Lai (2014) lọt vào trận chung kết giải sau với tư cách đương kim vô địch. Cũng có 3 “Vua” thậm chí còn bị văng ra khỏi Top 3, trong đó ngay mùa này Thể Công Binh đoàn 15 phải tới lượt cuối vòng bảng thứ 2 mới trụ hạng an toàn. Việc giữ ngôi khó đến mức được ví như một “cái dớp” và “lời nguyền” mà Thể Công khi trước hay Đức Long Gia Lai thời gian qua cũng không thể vượt qua, dù duy trì được “đỉnh cao” trong một số năm.
Càng đáng nói vì sự đổi chủ liên tục của ngôi số 1 không theo cách 2-3 đội thay phiên nhau như thường thấy mà lại trên một diện rất rộng. Với 6 đội bóng đã đăng quang trong 11 mùa giải, và có thể là 7/12 nếu Maseco TP.HCM đánh bại Sanest Khánh Hòa vào tối nay (28/11), bóng chuyền nam đã tạo ra một hiện tượng đặc biệt hiếm, không chỉ với Việt Nam.
Giải nào cũng có 4-5 ứng viên
Ngoài yếu tố liên quan đến “cái dớp” hay “lời nguyền” mang tính đặc thù, chuyện không có nhà ĐKVĐ nào giữ được ngôi đầu của bóng chuyền nam hoàn toàn có thể lý giải về mặt chuyên môn.
Trong suốt 12 mùa vừa qua, không có đội nào đạt tới đẳng cấp của một “thế lực” thực sự với nền tảng và sức mạnh vượt trôị so với phần còn lại, như Thể Công đầu những năm 2000. Quan trọng hơn, mặt bằng chung của môn này đã có bước đột phá, nhờ sự xuất hiện của nhiều mô hình xã hội hóa, có nguồn đầu tư lớn, mà nổi bật là Tràng An Ninh Bình, Sanest Khánh Hòa, Đức Long Gia Lai. Làn gió mới ấy cũng đã khiến tất cả các đội đều phải chuyển mình mạnh mẽ.
Trên thực tế, mùa giải này cũng có tới 4-5 đội có đủ khả năng tranh chấp ngôi số 1 sòng phẳng. Các trận đấu diễn ra hấp dẫn, quyết liệt với chất lượng chuyên môn cao ngay từ vòng bảng. Chỉ cần thiếu sự chuẩn bị kỹ lưỡng, thi đấu thiếu tập trung hay phong độ sa sút trong 1 - 2 trận đấu, đội nào cũng có thể phải trả giá đắt vì gần như không có cơ hội làm lại trước các đối thủ ngang ngửa.
Đơn cử: Quán quân mùa 2014 Thể Công Binh Đoàn 15 dù chơi rất hay ở vòng đấu bảng lượt về vẫn không thể lật ngược nổi tình thế vì “lỡ” để thua 3 trận lượt đi. Cũng mùa này, cả ĐKVĐ Thể Công và Á quân Đức Long Gia Lai đều không thể góp mặt ở vòng chung kết. Có tới 3 trong số 4 đại diện vào tranh 2 trận bán kết là những cái tên mới: Maseco TP.HCM, Quân đoàn 4 và XSKT.Vĩnh Long.
Theo đánh giá của giới chuyên môn, nếu tới đây bóng chuyền Việt Nam thực hiện việc giảm số đội dự tranh giải VĐQG từ 12 xuống 8, có lẽ tất cả các đội nam đều có thể tranh chấp các thứ hạng cao, kể cả ngôi số 1. Chỉ tiếc rằng, do việc tổ chức và quảng bá còn nhiều hạn chế, nên các chân dài nam đang chịu nhiều thua thiệt, phần nào đó bất công so với các đồng nghiệp nữ, về sự quan tâm và sức hút khán giả.
Khác với giải nam, giải nữ chỉ có 3 đội đăng quang là Thông tin LienVietPostBank, Bình Điền Long An và Thái Bình. Trong đó, với chiến thắng trước Ngân hàng Công thương Việt Nam, đội bóng ngành Thông tin quân đội đã lập một kỷ lục vô tiền khoáng hậu khi vô địch tới 9 lần trong 12 mùa. Đây là một kỳ tích sáng giá với “tượng đài” này song lại là một thảm họa cho bóng chuyền nữ Việt Nam, khi nhiều đội bóng đang rơi vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng kéo dài.
6 nhà vô địch trong 11 mùa giải của bóng chuyền nam Việt Nam gồm: Tràng An Ninh Bình (các mùa 2006, 2010 và 2012), Thể Công Binh Đoàn 15 (2005, 2007, 2014), Biên Phòng (2009, 2011), Đức Long Gia Lai (2013), Sanest Khánh Hòa (2009), Bưu Điện Hà Nội (2004).
Nếu Maseco TP.HCM lên ngôi sau trận chung kết diễn ra tối nay, họ sẽ là nhà vô địch thứ 7 trong 12 mùa. Thể Công Binh Đoàn 15 là đội gần nhất từng bảo vệ được ngôi số 1, thậm chí còn trong 3 mùa liên tiếp trong giai đoạn 2001- 2003.