Đau đầu gối do chạy bộ và cách khắc phục
Bị đau đầu gối, chân khi chạy bộ là chuyện thường xuyên xảy ra với runner. Dưới đây là tư vấn của chuyên gia.
- Câu hỏi: Nhiều người ở quê tôi duy trì nếp ra ngoài chạy bộ hàng ngày. Thế nhưng, chúng tôi luôn gặp khó khăn, và không phải biết luyện tập như thế nào cho đúng cách và hiệu quả vào mùa đông? Chúng tôi có thể khắc phục hiện tượng bị đau đấu gối và chân khi chạy bộ ra sao, thưa bác sỹ? (Độc giả Đào Duyên Hải, Phường Gia Cẩm, TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ).
- Bác sỹ Lê Thanh Tùng - Trưởng khoa Ngoại Chấn thương Chỉnh hình và Tạo hình, Bệnh viện Thể thao Việt Nam:
Chạy bộ là loại hình rèn tập phổ biến hàng đầu tại Việt Nam vì nó phù hợp với mọi đối tượng, lứa tuổi, điều kiện. Và việc chạy bộ trong thời tiết mùa đông vẫn hoàn toàn bình thường, thậm chí còn rất tốt cho chuyện rèn luyện sức khỏe, với một điều kiện quan trọng duy nhất: Phải khởi động thật kỹ. Công đoạn khởi động có thể thực hiện ngay từ trong nhà hay khởi đầu bằng cách đi bộ nhẹ nhàng 5-10 phút trước khi làm nóng người.
Cũng do tính chất phổ biến, dễ tập nên đi bộ lại là loại hình có tỷ lệ chấn thương cao nhất, gắn với sự chủ quan của người tập. Hai loại chấn thương thường thấy nhất là đau đầu gối và đau cẳng chân, ngoài ra còn có thể trật mắt cá, đau hông, giãn cơ.
Rất đáng lưu ý vì nguyên nhân dẫn đến các loại chấn thương, đặc biệt đau đầu gối và cẳng chân là do chọn loại giày không phù hợp. Với một chiếc giày không phù hợp, nhất là những người có trọng lượng cơ thể nặng, có thể tạo nên sức ép đối với đầu gối, mắt cá chân, bàn chân cũng phải thương xuyên xoay khi chạy. Người chạy lại thường không có cường độ và thời gian chạy phù hợp, nên nguy cơ chấn thương rất dễ xảy ra.
Vì thế, mọi người nên chọn đôi giày phù hợp về kích cỡ, tốt nhất là giày cao cổ, nhẹ mềm và có đệm lót. Trung bình mỗi người chỉ nên chạy bộ 3-4 buổi mỗi tuần, 15-20 buổi mỗi tháng.
Hiện tượng chấn thương, nếu xuất hiện ngay từ khi mới chạy, thì bạn nên thả lỏng đi bộ. Nếu nó còn tiếp tục tái diễn thì phải lập tức ngưng chạy, để nghỉ ngơi và thực hiện các biện pháp điều trị, như: Chườm đá, băng ép, xoa bóp với thuốc, nâng cao chân...
Chấn thương nhẹ có thể khỏi sau vài ngày hay 1 tuần, còn trong trường hợp tình trạng đau nhức tiếp tục kéo dài, có thể bạn đã bị tổn thương phần mềm hay gặp vấn đề thực sự với xương. Khi đó, người tập cần tìm đến bác sỹ để chụp X-quang để xác định chính xác tình trạng chấn thương, và được tư vấn điều trị kịp thời.