Chấn thương khi chạy bộ. Phần 8: Rạn, nứt xương
Những người mới tập chạy bộ hay cả những vận động viên chuyên nghiệp khi tập luyện với cường độ quá cao đều có thể gặp phải những nguy cơ nứt xương. Chủ yếu hiện tượng này xảy ra với xương chân do chịu lực lớn từ cường độ tập luyện nặng khiến cho đôi chân quá tải. Trong trường hợp này, xương chày và xương bàn chân rất dễ chịu tổn thương do đã bị yếu đi trong quá trình tập.
Những chấn thương nhỏ trong chạy bộ luôn tiềm ẩn những nguy cơ rất lớn
Nứt xương hay rạn xương là hiện tượng xuất hiện một vết nứt nhỏ trong xương gây ra đau đớn và khó chịu. Khi gặp những chấn thương dạng này, cơn đau sẽ càng tồi tệ hơn khi bạn cố gắng luyện tập và sẽ cải thiện nếu bạn nghỉ ngơi. Việc nghỉ ngơi hết sức quan trọng bởi vì nếu xương tiếp tục chịu áp lực thì chấn thương sẽ càng nghiêm trọng. Có thể vận động viên sẽ ngã quỵ hoặc dễ vấp ngã dẫn tới việc gãy xương không mong muốn. Rạn, nứt xương tuy chưa gãy xương nhưng không nên chủ quan bởi vì có thể dẫn đến một số biến chứng bất lợi cho vận động viên.
Nên chọn những ngày thời tiết đẹp và cung đường chạy tốt để phòng tránh nguy cơ vấp ngã dẫn tới rạn, nứt xương
Nó thực chất là một dạng của gãy xương, tức là gãy xương kín, không có di lệch (xương chưa bị tách ra khỏi chiều dọc, chiều ngang hoặc chưa bị thòi ra ngoài da). Theo chuyên gia sơ cứu xương Tony Coffey, xương được bọc kiên cố với các tế bào canxi và có phần lõi tủy mềm, nơi các tế bào máu được sản sinh. Một thanh xương bị nứt - rạn khi có lực mạnh tác động quá sức chịu đựng của xương và đi kèm với xương là các bó cơ, gân, dây chằng, dây thần kinh và các mạch máu đều bị ảnh hưởng khi một đoạn xương gặp tai nạn rạn, nứt.
Tránh tập vào những ngày mưa gió, đường trơn sẽ rất dễ ngã gây nên việc rạn, nứt xương
Việc bị ngã bị trơn trượt khi tập chạy bộ cũng là một nguyên nhân lớn dẫn tới tình trạng này. Có thể trong thời gian đầu vận động viên không chú ý tới vết đau, nên gắng sức tập. Cho đến khi đôi chân quá yếu sẽ dẫn tới vấp ngã hoặc tự gãy rời tại đoạn nứt cũ. Nứt xương có hạn chế vận động, thậm chí mất hoàn toàn vận động chỗ bị nứt xương nếu xương bị nứt nhiều, phức tạp. Nếu đau nhức, rất khó chịu vùng xương nào đó, nên nhanh chóng đến bệnh viện ngay không nên chủ quan để đề phòng biến chứng có thể xảy ra. Bác sĩ sẽ có chỉ định điều trị thích hợp cho từng trường hợp trên nguyên tắc cố định (bó bột, nẹp…) và bất động kết hợp với giảm đau, chống phù nề và dinh dưỡng tốt để chóng liền xương.
Vận động viên trong tập luyện và thi đấu nên chú trọng:
+ Tập theo giáo án chuẩn của huấn luyện viên điền kinh.
+ Tập luyện trong điều kiện thời tiết ỏn định. Tránh mưa gió, đường trơn trượt.
+ Không tập quá sức và luôn lắng nghe cơ thể để có phương pháp tập luyện thích hợp.
+ Khi gặp chấn thương dạng này nên nghỉ ngơi và khám tại các bệnh viện về thể thao hoặc chuyên khoa xương khớp để có liệu trình hồi phục.
+ Tuyệt đối không tập lại quá sớm khi vết rạn, nứt chưa hoàn toàn bình phục.