Cách chạy bộ an toàn trong thời tiết xấu
Một nữ ultramarathoner (người chạy siêu đường dài) không được công bố danh tính đã thiệt mạng trong cuộc đua Sudtirol Ultra Skyrace ở Italia cuối tuần vừa qua, với lý do bị sét đánh. Nạn nhân 44 tuổi được một nhóm vận động viên khác tìm thấy khi nằm ở một khu vực khá xa điểm y tế, trên độ cao 2.100m, khoảng 30 phút sau khi ban tổ chức có thông báo dừng cuộc thi vì điều kiện thời tiết xấu.
Giải chạy 120km này sau đó đã bị hủy bỏ phần lễ trao giải để thể hiện sự thương tiếc với nạn nhân xấu số trên.
Vấn đề trên gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh với những ai có ý định chạy trong điều kiện thời tiết xấu, ở những nơi có địa hình hiểm trở. Vậy chạy bộ trong điều kiện xấu cần phải lưu ý điều gì?
CHẠY BỘ TRONG MƯA BÃO
Thực tế chạy trong mưa rất thích bởi nó tạo cảm giác hưng phấn cho người tập. Nếu đang là mùa hè, thời tiết nóng nực, gặp một cơn mưa khi đang tập chạy thì quả thật rất đã. Tuy nhiên, chạy dưới mưa, bão tiềm ẩn nhiều rủi ro.
- Quần áo chống nước: hiện nay các hãng thể thao đã sản xuất rất nhiều trang phục chống nước cho dân chạy. Những chiếc áo gió mỏng có khả năng chống thấm tốt sẽ giúp người tập không bị ướt khi chạy.
- Kính và mũ: Đội mũ và đeo kính tránh được nước mưa thấm lên đầu và chui vào mắt, giúp người tập chạy được lâu hơn dưới điều kiện thời tiết này.
- Tránh trầy xước da: thuật ngữ “chafing” đã rất quen thuộc với người tập chạy, nó chỉ sự trầy xước da khi cọ xát với trang phục. Chafing xảy ra đối với tất cả người tập ở mọi điều kiện thời tiết, tuy nhiên chạy dưới mưa (hoặc bị ướt người do mồ hôi) khiến chafing trở nên tệ nhất.
Người tập cần bôi kem trơn vào các vị trí có khả năng dễ bị trầy xước nhất như: bẹn, nách, các ngón chân… Mặc đồ bó kiểu compression là giải pháp giảm thiểu vấn đề này.
- Bảo vệ thiết bị điện tử: Nếu sử dụng điện thoại để đo quãng đường hoặc những loại đồng hồ GPS không chống nước, máy nghe nhạc… thì túi nilon zip là một giải pháp hữu hiệu.
CHẠY BỘ TRONG GIÁ RÉT
Chạy bộ trong điều kiện nhiệt độ thấp thật sự là thử thách đáng gờm. Chạy bộ vào mùa đông (nhiều nơi có cả tuyết) dễ làm người tập bị căng cơ, bong gân, giãn dây chằng, trật khớp, thậm chí ngã gãy xương…
Cần lưu ý những điều sau:
- Trang phục hợp lý: Khi chạy bộ vào mùa lạnh, người tập cần chú ý đến vấn đề trang phục. Quần áo chạy mùa đông được thiết kế bằng những loại vải ưu việt như nhẹ, giữ ấm tốt nhưng lại không thấm hút mồ hôi.
Người tập cần lưu ý nguyên tắc “nhiều lớp” khi chạy trong điều kiện thời tiết lạnh giá. Tuyệt đối không được mặc những trang phục giữ ấm không dùng cho thể thao. Người tập nên áp dụng mặc nhiều lớp áo, sẽ giữ ấm hiệu quả hơn.
- Phụ kiện đầy đủ: Người tập cần che chắn đầu và mặt kỹ càng. Sử dụng các loại mũ, khăn đa năng để có thể che kín đầu, cổ và mặt khi chạy.
- Bảo vệ da: Chạy vào mùa đông sẽ rất dễ bị tổn thương da nếu tiếp xúc quá lâu với cái lạnh. Mùa đông thường có độ ẩm thấp, chính vì vậy cần dùng các loại kem dưỡng da bôi trước khi chạy, mặc quần áo dài để tránh da tiếp xúc với môi trường lạnh giá.
- Nhận biết dấu hiệu bị tê cóng hay hạ thân nhiệt
+ Tê bì chân tay.
+ Mất cảm giác
+ Bỏng da do quá lạnh.
+ Nói lắp bắp.
+ Run lẩy bẩy.
+ Rùng mình liên tục…
Nếu gặp những triệu chứng trên, hãy dừng chạy và trở về nhà. Giữ ấm cơ thể bằng cách bật lò sưởi, rửa cơ thể bằng nước nóng rồi đắp chăn giữ nhiệt…
CHẠY BỘ DƯỚI TRỜI NẮNG NÓNG
Thuật ngữ “heat training” cũng đã rất quen thuộc với những người tập chạy. Đây là hình thức tập chạy dưới trời nắng nóng đỉnh điểm trong ngày để tạo sự thích nghi cho cơ thể. Tuy nhiên, chạy bộ vào mùa hè có nhiệt độ cao, kèm nắng bỏng rát sẽ rất nguy hiểm.
Chạy khi nhiệt độ cao khiến người tập có nguy cơ đột quỵ, sốc nhiệt, thậm chí là tử vong. Cần chú ý những triệu chứng sau khi chạy dưới chạy nắng nóng:
- Đau đầu.
- Chóng mặt.
- Người mệt bải hoải.
- Buồn nôn.
- Mất thăng bằng.
- Ra mồ hôi ít.
- Mặt đỏ tưng bừng.
- Mất kiểm soát trong nhiều hành động thông thường.
Khi gặp những triệu chứng trên, người tập cần dừng lại ngay, tránh ánh nắng, giảm nhiệt bằng cách uống nước mát, tìm phòng có điều hòa nghỉ ngơi. Nếu những triệu chứng kia không hết sau nhiều giờ, hãy đến ngay bệnh viện kiểm tra y tế.
Giải pháp cho việc chạy bộ trong điều kiện thời tiết nóng bức:
- Trang phục phù hợp: khi chạy vào mùa hè, tuyệt đối không chọn trang phục có chất liệu cotton, bởi loại vải này hút mồ hôi và khiến quần áo nặng nề thêm, dễ gây trầy xước da và làm ngấm ngược lại cơ thể dễ dẫn đến bị cảm. Quần áo dài tay sẽ giúp người tập bảo vệ làn da, tránh tiếp xúc với các tia cực tím có hại…
- Mũ, kính chống nắng là phụ kiện bắt buộc phải có. Mũ có phần vải xòe che được cả gáy là lựa chọn thông minh. Kính râm giúp mắt không bị ánh sáng mạnh làm lóa.
NHỮNG LƯU Ý CHUNG
- Chạy sớm hoặc muộn: Nếu vào mùa hè, bạn cần lên lịch chạy hợp lý để tránh nắng gắt gây hại. Một là chạy thật sớm khi mặt trời chưa lên. Hai là chạy chiều muộn khi mặt trời đã dịu nắng hoặc lặn hẳn.
- Cung cấp nước đầy đủ cho cơ thể: Nước chính là yếu tố giúp cơ thể duy trì được sự vận hành. Không phải khi chạy mới cần cung cấp nước, mà người tập cần phải có thói quen uống đủ nước trong ngày. 2 lít nước mỗi ngày là lượng cần và đủ cho cơ thể. Hãy uống nước trước khi đi ngủ và ngay khi tỉnh dậy. Uống một cốc nước to (200m-300ml) trước mỗi buổi tập. Và dĩ nhiên là nên cầm theo nước để nạp trong suốt quá trình chạy.
- Ăn no, ngủ kỹ, tránh căng thẳng: Đây là những điều hết sức cần thiết để giúp cơ thể người tập luôn khỏe mạnh, có khả năng chống chọi lại với mọi triệu chứng bất lợi.