Ngày “đèn đỏ”, tập luyện thế nào?
Con gái có thiệt thòi?
Phái nữ thường kêu ca: Con gái thiệt thòi trăm đường, từ những việc trọng đại như chồng con, công việc cho tới những việc nhỏ như tập luyện thể dục thể thao. Bởi, hễ tới chu kỳ là phải dừng tập tành, hoạt động nhẹ nhàng. Liệu có thực sự như vậy?
Bạn Hoàng Lan, 22 tuổi (sinh viên một trường Đại học ở Hà Nội) luôn băn khoăn: “Mình là người rất yêu thể thao, thường xuyên tập gym. Nhưng, mình không biết có nên tập luyện trong những ngày diễn ra chu kỳ kinh nguyệt hay không? Hầu như những người lớn tuổi như bà, mẹ mình đều dặn dò nên nghỉ ngơi trong những ngày này vì sợ ảnh hưởng tới sức khoẻ”.
Một trường hợp khác, bạn Mai Phương (27 tuổi, nhân viên văn phòng ở Hải Phòng) cũng có chung tâm tư: “Mình thích tập yoga. Nhưng mỗi khi “đến tháng”, mình phải nghỉ khoảng 1 tuần để ổn định vì mình thường đau bụng dữ dội, mệt mỏi, uể oải. Ngoài ra, mình sợ dây bẩn quần áo gây bất tiện nên cũng ngại tới lớp tập”.
Khi chưa có câu trả lời chính xác về tác động của luyện tập với cơ thể trong thời kỳ này, các bạn gái thường truyền tai nhau lời dặn dò của các bậc “tiền bối” - nên nghỉ tập 1-2 ngày đầu chu kỳ hoặc nghỉ hẳn cho tới khi hết chu kỳ. Tuy nhiên, rất nhiều bạn đam mê tập luyện, đặc biệt những người đang trong giai đoạn giảm cân không muốn gián đoạn việc tập luyện đến 1 tuần.
Vậy chính xác, nên hay không luyện tập trong thời kỳ này? Nếu dừng tập thì nên dừng bao lâu? Cường độ tập luyện như nào cho phù hợp?
Có lợi cho chu kỳ “đèn đỏ”
Thực tế, rất nhiều chuyên gia, HLV thể dục có uy tín trên thế giới đều đưa ra nhận định chung. Đó là, tập luyện trong những ngày “đèn đỏ” không những không hại mà còn có lợi.
Bà Sheenu Arora, Giám đốc chuỗi phòng tập gym Fitness First của Ấn Độ cho biết: Khi tập luyện thể dục thể thao, cơ thể bạn sẽ tiết ra một loại hormone có tên endorphin giúp giảm căng thẳng, chuột rút, đau đầu và những cơn đau bụng, lưng - những triệu chứng khó chịu thường gặp trong thời kỳ kinh nguyệt.
Tuy nhiên, một điều cần lưu ý là cơ thể mỗi người khác nhau. Do đó, nếu cảm thấy quá mệt mỏi hoặc bị chuột rút nghiêm trọng thì bạn không nên ép buộc bản thân phải tập luyện.
Khi chu kỳ diễn ra, mỗi phụ nữ thường có những mức độ khó chịu/bất tiện khác nhau do đó, điều cần thiết là phải lắng nghe cơ thể để luyện tập một cách vừa sức.
Bạn có thể luyện tập rất nhiều loại hình thể thao khác nhau nhưng nên tránh các bài thể dục yêu cầu cường độ mạnh và một số tư thế yoga như đứng bằng đầu (headstands), đứng bằng vai (shoulder stands) và các tư thế đảo ngược khác. Những bài tập giúp duỗi dài cơ như yoga, pilate hay cardio như nhảy rumba, chạy bộ…. giúp chu kỳ “đèn đỏ” trôi qua nhẹ nhàng hơn.
Ngoài ra, bà Arora cũng khuyên, để tránh tình trạng đau ê ẩm và tâm lý bực bội khó chịu, trong thời kỳ “đèn đỏ”, các bạn thường phải chú ý đảm bảo chế độ ăn cân bằng, nhẹ nhàng.
Lưu ý, tránh các thực phẩm quá mặn, quá nhiều đường, tránh uống rượu, các đồ uống chứa cafein. Nên ăn các loại thức ăn giàu protein, can-xi, sắt, uống nhiều nước. Nếu có thể, bạn nên bổ sung một ly sữa vào chế độ ăn để giảm đau.