Tư vấn của Giám đốc Bệnh viện Thể thao về trầm cảm thể thao
Thưa ông, nguyên nhân khiến các VĐV, HLV và kể cả các nhà quản lý thể thao mắc căn bệnh trầm cảm?
PGs. Ts. bs. Võ Tường Kha: Con người là động vật cấp cao, có hoạt động tư duy, có nhận thức, điều khiển hành vi nhờ hoạt động não bộ - hoạt động thần kinh cao cấp. Trong hoạt động hàng ngày, con người (đối tượng) thường xuyên có mối quan hệ tương tác với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội.
Hành vi tương tác này sẽ tác động đến tập thể, cá nhân trong các mối quan hệ xã hội đó. Hậu quả là các tập thể, cá nhân này phản ứng trở lại thông qua cảm nhận, nhận thức, ý thức và biểu hiện ra hành vi tác động lại ít nhiều đến đối tượng.
Các tác động ngược lại này có thể làm hài lòng hoặc không hài lòng, làm thỏa mãn hoặc không thỏa mãn đến đối tượng ban đầu. Lúc này, đối tượng sẽ biểu hiện phản ứng dưới dạng một trong các trạng thái hưng phấn hoặc bình thường hoặc ức chế trong nhận thức, ý thức và biểu hiện ra các sắc thái tâm lý, tình cảm.
Trạng thái ức chế vỏ não - ức chế tâm lý, tình cảm dẫn đến thay đổi hành vi theo hướng thụ động, tiêu cực, nặng hơn hoặc lâu ngày dẫn đến trầm cảm. Tác động các mối quan hệ xã hội lên VĐV, HLV liên quan đến hoạt động thi đấu, tập luyện TDTT cũng có thể phát sinh trầm cảm theo cơ chế này.
Đối với các VĐV, HLV, có nhiều nguyên nhân dẫn đến trầm cảm. Do bệnh tật hay chấn thương kéo dài, giảm sút thể chất, thể lực, từ đó giảm sút về thành tích tập luyện, tập đấu, hoặc chủ động dừng hoặc bắt buộc dừng thi đấu sẽ ức chế tâm lý, gây trầm cảm.
Quá trình luyện tập quá mức, lượng vận động quá lớn dẫn đến kiệt sức, khiến các VĐV sợ tập, ngại tập, lâu ngày dẫn đến trầm cảm. Sức ép về mặt thành tích do bản thân đặt mục tiêu quá lớn hoặc do kỳ vọng của HLV, nhà quản lý, gia đình và xã hội quá cao trong khi năng lực bản thân VĐV hạn chế. Thành tích thi đấu và tập luyện không đạt như kỳ vọng khiến các VĐV, HLV thất vọng.
Suy nhược cơ thể hay thiếu ngủ kéo dài vì một lý do nào đó cũng là một trong nguyên nhân dẫn đến trầm cảm. Bên cạnh đó, có nhiều nguyên nhân khác như do có cú sốc tình cảm, mất mát sinh mạng, chức vụ, địa vị, kinh tế của bản thân, hoặc từ gia đình, người thân; hay việc lạm dụng chất kích thích như rượu bia hoặc sử dụng thuốc gây nghiện hướng thần lâu dài.
Ngoài ra, do bệnh lý thực thể tại não như viêm não, u não, tai biến mạch máu não…ảnh hưởng lên vùng chi phối cảm xúc, hành vi gây trầm cảm. Những yếu tố như ảnh hưởng thiên tai, địch hoạ như dịch COVID-19 bắt buộc VĐV, HLV phải cách ly, giãn cách, không được giao tiếp xã hội, không được hoạt động chuyên môn, sụt giảm thu nhập cũng là nguyên nhân gây nên căn bệnh này.
Bên cạnh đó, do bản thân các VĐV gặp bế tắc với cuộc sống vì mục tiêu phấn đấu không đạt được hay do phát sinh sự cố không tốt trong các mối quan hệ đội tuyển, gia đình và xã hội. Yếu tố gia đình tác động như sự kỳ vọng của gia đình quá sức với VĐV.
Yếu tố xã hội tác động như kỳ vọng của bạn bè, của cộng đồng, của xã hội gây sức ép lên tâm lý VĐV, HLV hoặc dư luận, bình phẩm hạn chế, khiếm khuyết về phát ngôn, hành vi trong cuộc sống hàng ngày mà không liên quan tập luyện, thi đấu của VĐV. Hoặc do sự đố kị, kỳ thị trong các VĐV với nhau; sự cạnh tranh thiếu lành mạnh, ganh ghét trong thi đấu thể thao; sự phân biệt đối xử, ít quan tâm của HLV đến VĐV so với trước…
Tất cả các nguyên nhân này xuất hiện đột ngột (sốc) hay kéo dài đều có thể dẫn đến ức chế ở vỏ não, gây trầm cảm.
Những biểu hiện của căn bệnh trầm cảm trong thể thao?
Có các biểu hiện như: Thần sắc (sắc khí) u tối; mất tập trung, giảm chú ý, giảm trí nhớ; giảm động lực, buông xuôi, giảm hưng phấn, giảm niềm tin đối với HLV và đồng đội; thay đổi về tâm lý như cáu gắt, bực dọc, chống đối; tăng hay giảm trọng lượng mà không lý giải được, không do bệnh lý hay chế độ dinh dưỡng; lo âu, mất ngủ, giảm sự thèm ăn, kém ăn, thậm chí bỏ ăn; ngại giao tiếp, nép mình, ngại tiếp xúc đám đông và các hoạt động tập thể.
Trong tập luyện, VĐV thường xuyên mắc lỗi kỹ thuật, động tác, chiến thuật; giảm thể lực, chóng mệt, giảm khả năng hoàn thành bài tập, thi đấu; có xu hướng hút, hít, nghiện rượu, nghiện bia, thay đổi hành vi lối sống bê tha; nặng hơn là xuất hiện hoang tưởng, luôn nghĩ đến cái chết.
Hệ lụy nếu không được phát hiện sớm và có cách giải quyết hợp lý?
Nếu không được phát hiện sớm hay có cách giải quyết phù hợp, VĐV đó dễ bị suy sụp về thể chất, tinh thần, không còn ý chí phấn đấu, hưng phấn và mục tiêu trong cuộc sống, từ đó giảm sút phong độ, tập luyện và thi đấu. Nặng hơn là sa vào nghiện ngập, rối loạn các hành vi, kết thân với những thành phần xấu xã hội, sống bê tha, cẩu thả và nặng hơn nữa là luôn nghĩ tự sát.
Đối với tác động lên tập thể, xã hội thì cá nhân bị trầm cảm sẽ gây hoang mang trong tập thể, nghi kỵ lẫn nhau, ảnh hưởng tâm lý đám đông. Suy nghĩ, nhận thức, hành vi của người bị trầm cảm sẽ lan truyền trong đồng đội, gia đình, xã hội và khiến đồng đội bị rối loạn, dễ xuất hiện tình trạng trầm cảm lan truyền, gây xáo trộn sinh hoạt đồng đội, gia đình, gây mất an ninh, trật tự cho đồng đội, cho xã hội, tạo gánh nặng cho gia đình, xã hội.
Khi rơi vào tình trạng trầm cảm, VĐV hay HLV đó cần làm gì? Và các VĐV, HLV cần làm gì để tránh bị căn bệnh này?
Bản thân người bị trầm cảm cần đối mặt, quyết tâm loại bỏ các nguyên nhân gây trầm cảm. Ví dụ như các quan hệ xã hội không tốt thì nhanh chóng tìm cách loại bỏ; nếu có chấn thương, bệnh tật thì tìm cách điều trị triệt để; nếu bị sức ép về thành tích thì dừng lại, điều chỉnh mục tiêu, không chạy theo thành tích; không chạy theo dư luận, sức ép của dư luận,…
Cần thiết lập cuộc sống mới với trật tự, kỷ cương, kỷ luật nghiêm túc trong ăn uống, sinh hoạt, ngủ nghỉ; tăng cường giao lưu, nói chuyện và chia sẻ với mọi người. Hơn hết, bản thân VĐV đó phải duy trì tập luyện thể dục thể thao với nguyên tắc giảm cường độ, khối lượng luyện tập; thay đổi môi trường, đồng đội hay môn luyện tập.
Họ cần tránh xa các chất gây nghiện, các chất kích thích như rượu, bia,… Trường hợp cần thiết, tìm đến bác sĩ tâm lý, tâm thần để sử dụng một liệu thuốc chống trầm cảm phù hợp nhưng không được lạm dụng, trên nguyên tắc là giảm dần sự phụ thuộc vào thuốc.
Các HLV, đồng đội cần tăng cường động viên, chia sẻ với người bị trầm cảm; đặt lại mục tiêu thành tích, phù hợp với năng lực thực tế trong quá trình thi đấu, tập luyện, giảm sự kỳ vọng về thành tích; bố trí chế độ nghỉ ngơi hợp lý.
Cần phát huy vai trò của các tổ chức tập thể, tổ chức các hoạt động tập thể, xã hội để hỗ trợ cho người bị trầm cảm; hỗ trợ chăm sóc y tế, tâm lý, dùng thuốc chống trầm cảm khi cần thiết; đặc biệt, HLV, đồng đội không được kỳ thị, phân biệt và không được bình luận, tạo ra dư luận, sức ép với người bị trầm cảm.
Cảm ơn PGs. Ts. bs. Võ Tường Kha về cuộc trao đổi này.
Trước đây, một số VĐV nổi tiếng của Việt Nam từng mắc căn bệnh này và suýt giã từ sự nghiệp như võ sĩ Nguyễn Thị Ngoan từng không nhận ra người thân vì trầm cảm; VĐV điền kinh Nguyễn Thị Oanh mất ngủ triền miên hay anh em VĐV Quách Công Lịch -Quách Thị Lan khủng hoảng tinh thần kéo dài,…Đặc biệt, Ánh Viên phải nhờ tới bác sĩ tâm lý trong vòng 3 tháng để điều trị căn bệnh này.
Hiện tại, thể thao Việt Nam chưa có bất cứ thống kê, đề tài hay công trình nghiên cứu nào về trầm cảm của VĐV cả chung hay theo môn, cho dù nó là vấn đề nóng, điển hình với trường hợp của Ánh Viên hay Nguyễn Thị Ngoan. Không có các chuyên gia hay bác sĩ tâm lý nào, ngay cả một số môn trọng điểm hay có điều kiện.