Khủng hoảng tâm lý - Rào cản vô hình với sao điền kinh Việt

thứ sáu 10-12-2021 9:13:37 +07:00 0 bình luận
Trầm cảm, khủng hoảng tâm lý… là những rào cản vô hình với nhiều VĐV thể thao, nhưng lại gây ra những hậu quả hữu hình trong suốt sự nghiệp của họ.

Sức khỏe tâm lý luôn là vấn đề làm đau đầu những nhà nghiên cứu khoa học bởi ngày nay tỷ lệ người mắc các chứng bệnh về tâm lý ngày càng tăng. Trong thể thao, sức khỏe tâm lý cũng đã trở thành đề tài nghiên cứu từ nhiều năm qua, nhưng để giải quyết triệt để vấn đề này lại là chuyện không phải ngày một ngày hai.

Tỷ lệ VĐV bị trầm cảm, khủng hoảng tâm lý… hay nói chung là bị ảnh hưởng sức khỏe tâm lý ngày càng nhiều. Nguyên nhân dẫn đến các bệnh về tâm lý trong giới thể thao thì rất nhiều: từ áp lực thành tích, chấn thương dai dẳng, bất mãn về những yếu tố xung quanh…

Trong giới điền kinh, khủng hoảng tâm lý là chuyện “thường như ở huyện”. Nếu được hỏi, chắc tỷ lệ phải lên đến 100% VĐV đều cho rằng: ít nhiều trong quá trình theo đuổi thể thao, họ đều đã từng gặp phải những vấn đề về tâm lý.

Nguyễn Thị Oanh: Viêm cầu thận và chứng mất ngủ đe dọa sự nghiệp

Nguyễn Thị Oanh gặp không ít vấn đề về sức khỏe trước khi trở thành một tuyển thủ điền kinh thành công như hiện nay

Nguyễn Thị Oanh đã được nhiều người biết đến bởi những thành tích ấn tượng ở môn điền kinh. Cô gái bé nhỏ quê Bắc Giang đã giành nhiều giải thưởng lớn, nhỏ từ cấp quốc gia đến châu lục ở những nội dung mình theo đuổi như chạy 1.500m, 5.000m, 3.000m chướng ngại vật và gần đây lấn sân thêm nội dung 10.000m.

Oanh từng giành HCĐ ASIAD 2018, HCV và kỷ lục SEA Games 30 năm 2019 ở cự ly 3.000m chướng ngại vật, cùng hàng loạt HCV ở hai cự ly 1.500m và 5.000m. Năm 2020, Oanh lần đầu thử sức ở nội dung 10.000m tại giải vô địch quốc gia và đã phá ngay kỷ lục quốc gia đã tồn tại 17 năm.

Để có được những thành công đó, cô gái sinh năm 1995 đã vượt qua rất nhiều khó khăn trong sự nghiệp. Nhiều bạn bè, người quen biết Oanh đều nhận xét rằng: ở cô gái này có một nguồn năng lượng dồi dào đến khó tin. Chỉ cần muốn là Oanh có thể tập luyện và thi đấu tốt ở nhiều cự ly ngoài sở trường.

Những vấn đề về sức khỏe, tâm lý từng khiến Nguyễn Thị Oanh có nguy cơ giã từ sự nghiệp điền kinh

Nhưng chặng đường đến với điền kinh của Oanh không hề bằng phẳng. Từng bị chê thân hình quá nhỏ bé, không phù hợp với điền kinh khi mới bắt đầu từ những cuộc tuyển chọn ở quê nhà, Oanh còn trải qua những giai đoạn tưởng chừng phải bỏ dở quá trình tập luyện vì sức khỏe.

Năm 2014, Oanh mắc chứng viêm cầu thận dẫn đến sức khỏe suy giảm. Đây là thời điểm mà cô gái này đối mặt với trầm cảm, những khủng hoảng tâm lý nặng nề. Nếu không nhờ quyết tâm cao độ của bản thân, cộng với sự ủng hộ tuyệt đối của gia đình, bạn bè… thì Oanh “ỉn” có thể đã chia tay điền kinh mãi mãi.

Đến năm 2019, trước khi thi đấu ở SEA Games 30 tại Philippiines, Oanh còn mắc chứng mất ngủ kéo dài. “Trong mấy tháng liền, tôi không thể ngủ được. Những căng thẳng đó dẫn đến cơ thể suy nhược, tập luyện và sinh hoạt đều bị ảnh hưởng” - Oanh cho biết.

Khủng hoảng tâm lý là một chướng ngại vật mà Nguyễn Thị Oanh phải đấu tranh và vượt qua trong sự nghiệp điền kinh

Đó cũng là giai đoạn mà Oanh đối mặt với vấn đề sức khỏe tâm lý nặng nề nhất. Những áp lực trong tập luyện và quyết tâm về một mục tiêu phải giành HCV ở cả 3 nội dung tham dự ở SEA Games 30 khiến Oanh lao vào tập luyện không biết mệt mỏi. Áp lực về thành tích cũng là một trong những nguyên nhân khiến cô gái này gặp nhiều khó khăn trên con đường đến với vinh quang trên đường chạy.

Hiện giờ, chưa thể nói những áp lực đó đã hết, nhưng với Oanh, vượt qua giai đoạn khủng hoảng tâm lý vẫn là điều khiến cô còn ám ảnh.

Anh em họ Quách và nỗi sợ chấn thương

Quách Công Lịch và Quách Thị Lan được biết đến là cặp anh em ruột thành công nhất trong làng điền kinh Việt Nam một thập kỷ qua. Đều có sở trường ở những nội dung chạy 400m (400m, 400m rào, tiếp sức 400m), anh em họ Quách cũng có những năm tháng đối đầu với khủng hoảng tâm lý nặng nề.

Cả Lịch và Lan đều là những người đang nắm giữ kỷ lục quốc gia chạy 400m rào, những thành tích đến từ lợi thế về thể hình khi cả hai anh em đều có chiều cao, cặp chân dài lý tưởng. Lịch Lan từng được đầu tư trọng điểm nhiều năm qua với những chuyến tập huấn dài kỳ ở các quốc gia phát triển như Mỹ, với hy vọng giành nhiều thành tích cho tuyển điền kinh Việt Nam.

Quách Công Lịch (337) và Quách Thị Lan (348) đã cùng ăn tập trên tuyển điền kinh quốc gia cả chục năm nay

Nhưng với anh em họ Quách, chấn thương là nỗi ám ảnh lớn nhất trong sự nghiệp. Tại ASIAD 2018, với kỳ vọng cực lớn, nhưng Lịch ra về trắng tay khi không thể vào chung kết do chấn thương. Tại giải vô địch quốc gia hay ngay tại SEA Games 30, Lịch (28 tuổi) đều thi đấu dưới sức và không giành được HCV cá nhân nào ở cả hai nội dung chạy 400m và 400m rào.

“Sau nhiều lần dính chấn thương, đến tận bây giờ tôi vẫn chưa thoát được sự ám ảnh về chuyện đó. Cứ mỗi lần bước vào các bài tập nặng là tôi lại sợ có khả năng tái phát chấn thương. Nên nhiều lúc tập mà tâm lý cứ đè nặng, cứ sợ bị đau, bị chấn thương nữa thì nguy hiểm” - Quách Công Lịch nói về những áp lực tâm lý đè nặng.

Còn với Quách Thị Lan, chấn thương cũng từng khiến cô lao đao nhiều lần trong sự nghiệp.

Quách Thị Lan (ngã) đã từng bị ảnh hưởng không nhỏ bởi chấn thương trong những năm theo đuổi điền kinh

“Tôi từng nhiều lần gặp chấn thương trong quá trình tập luyện và đặc biệt là trước các kỳ thi đấu giải lớn. Tôi từng hai lần gặp chấn thương nặng nhất là cổ chân năm 2017 và gối năm 2019. Những lần chấn thương đó khiến tôi phải đi bệnh viện điều trị, chữa trị theo phác đồ riêng của bác sĩ…

Quá trình điều trị khiến sức khỏe giảm sút và luôn ở trạng thái căng thẳng. Khi trở lại sân tập, tôi cũng phải tập theo bài riêng. Ngày nào cũng phải đấu tranh tư tưởng phải cố gắng lên, phải hồi phục thật nhanh để còn kịp thi đấu” - Lan tâm sự.

Những chấn thương dai dẳng đúng vào những năm tổ chức SEA Games đều cướp đi cơ hội giành HCV cá nhân ở các nội dung chạy sở trường là 400m và 400m rào của Lan. Tính ra, cô gái 26 tuổi chưa từng có tấm HCV cá nhân SEA Games nào ở hai nội dung trên. Và đó chính là điều làm Lan trăn trở nhất.

Những áp lực tâm lý, chấn thương từng làm khó Quách Thị Lan, nhưng cô gái này chưa bao giờ nghĩ đến chuyện bỏ cuộc

Từ năm 2020, sau khi bình phục chấn thương, Lan đã lấy lại phong độ và thể hiện đúng đẳng cấp của mình. Kể từ giải vô địch quốc gia tháng 11 năm ngoái đến nay, Lan đều vô đối ở hai nội dung 400m và 400m rào. Đặc biệt, vinh dự được chọn tham dự Olympic Tokyo hồi tháng 8/2021 vừa qua đã đem đến cho Lan một trải nghiệm mới.

Lọt vào bán kết nội dung 400m rào nữ Olympic Tokyo, Lan trở thành VĐV điền kinh Việt Nam đầu tiên vào đến bán kết một nội dung thi đấu loại tại đấu trường Thế vận hội. Cô đang hướng đến những mục tiêu cao hơn trong tương lai là giành HCV cá nhân ở SEA Games 31, đủ sức và thành tích để có thể tham dự tiếp Olympic Paris tại Pháp năm 2024.

“Mặc dù nhiều lần dính chấn thương và bỏ lỡ các cơ hội có thành tích tại những giải đấu lớn. Nhưng rất may là chưa bao giờ tôi nghĩ đến việc bỏ cuộc. Bị chấn thương cũng làm giảm sút tinh thần rất nhiều, nhưng nghĩ đến chặng đường phấn đầu nhiều năm qua, tôi lại không cho phép mình yếu đuối. Cứ nhìn thấy mọi người tập luyện và thi đấu là tôi lại phải tự đẩy tinh thần mình lên” - Quách Thị Lan nói.

Phúc Hải
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Trần Thùy Chi

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội