Vật dân tộc: “Ôn cố tri tân”
Lò vật nhan nhản chốn làng quê
Vật là một bộ môn thể thao rất được ưa chuộng với người nông dân Việt Nam từ xưa tới nay.
Những ngày đầu của mùa Xuân thanh bình hay những buổi hội hè đình đám nơi thôn dã, dân làng thường tổ chức những cuộc vui, như: Hát quan họ, thi nấu cơm, chọi trâu, đá gà, đánh đu, kéo co, bắn nỏ, đánh gậy trung bình tiên, đấu vật... Nhất là đấu vật, mở hội ngày Xuân mà không có thi vật, đi xem vật dân tộc thì chưa phải là Tết.
Trống vật nổi lên là có sức thu hút mọi người, già, trẻ, gái, trai, đủ mọi tầng lớp nô nức đến bao quanh sới. Người ta bình luận say sưa, chê khen rành rọt từng thế, từng miếng vật, từng keo vật, từng tác phong của mỗi đô. Lạ là từ cụ bà 80 tuổi đến đứa bé 10 tuổi cũng nắm luật, rành miếng rõ ràng.
Thật vậy, xưa kia ở nước ta chẳng mấy nơi không có lò vật. Có những lò vật vang lừng xứ Bắc như lò vật Gia Lương, Đồng Kỵ (Bắc Ninh), lò vật Thụy Lâm (Đông Anh, Cổ Loa), lò Liễu Đôi (Nam Định), lò Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An.
Hội Vật làng Sình (xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế) hàng năm mở hội vào ngày 10 tháng Giêng Âm lịch thu hút nhiều đô danh tiếng miền Trung.
Ở Trường Yên (Ninh Bình) thì rất tự hào về những ngày hội lớn hàng năm ở địa phương mình: Hội đền Vua Đinh, Hội chùa Trường Yên, Hội Cờ Lau tập trận. Trò vui lớn nhất của những hội này là trò đấu võ, đấu vật. Những đô và những thày dậy võ họ Đinh, họ Bùi, họ Vũ… cha truyền con nối, làm vẻ vang làng xóm.
Nhưng đặc biệt phát triển và thu hút nhiều người tập nhất phải kể tới phong trào ở Quốc Oai (Hà Nội) có nhiều lò vật danh bất hư truyền, giữ được tên tuổi trong làng vật Việt Nam nhiều năm qua. Đó là các lò Cấn Hữu, Yên Nội (Đồng Quang); Ngô Sài (thị trấn Quốc Oai); Ngọc Than (Ngọc Mỹ), Nghĩa Hương...
Trong các lò, phải kể đến Yên Nội nức tiếng cả nước khi đã sản sinh ra những đô vật ở đẳng cấp cao, giành nhiều huy chương trong nước và quốc tế, như: Nguyễn Đình Khinh, Nguyễn Đình Liệu, Nguyễn Đình Chi, Nguyễn Đình Thịnh, Phí Hữu Tình và đặc biệt là đô nữ Nguyễn Thị Lụa (HCB trẻ châu Á; HCB ASIAD; giành vé chính thức đến Olympic 2012).
Ông Nguyễn Đức Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Thể dục thể thao huyện Quốc Oai, cho biết lãnh đạo huyện rất ủng hộ thực hiện đề án củng cố và phát triển môn vật truyền thống, đảm bảo duy trì 2 lớp vật truyền thống với khoảng 60 học viên tham gia hàng năm nhằm phát hiện nhân tố mới. Việc đào tạo, bồi dưỡng vận động viên sẽ tập trung vào các lò nổi tiếng như Đồng Quang, Ngọc Liệp, Liệp Tuyết, Cấn Hữu, thị trấn Quốc Oai…
Vật tại thành phố: Về với truyền thống dân tộc
Đến với Bảo tàng Dân tộc học (Hà Nội) một ngày Xuân mới thấy truyền thống thượng võ chưa mai một được nếu có sự chung lòng, chung sức. Các bé dù rất lạ lẫm nhưng mê từng miếng vật đang được các đô vật biểu diễn. Nhưng nếu chỉ xem rồi về thì ấn tượng sẽ phai nhanh.
Cô Mỹ Hạnh, một giáo viên chủ nhiệm lớp 1 ở khu vực Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết: “Các hướng dẫn viên thuyết minh rất nhiệt tình và tôi hy vọng các cháu sẽ yêu môn vật dân tộc cũng như được hiểu biết hơn những trò chơi dân gian để thêm yêu quê hương, yêu đất nước. Vật dân tộc không khó hiểu vì luật rất rõ ràng. Người Nhật có thể tôn vinh và bảo tồn môn Sumo thì tôi nghĩ rằng mình cũng nên bảo tồn và gìn giữ vật dân tộc.
Tôi cũng mong là các giờ học ngoại khóa, nên có môn vật dân tộc để các con hiểu biết hơn về truyền thống cha ông, dù rằng karate hay taekwondo đều tuyệt, nhưng đó không phải là của Việt Nam”.
Chị Thanh Tâm, hướng dẫn viên của Bảo tàng thì cho biết: “Dù là trẻ nhỏ hay người lớn cũng đều đã quên đi hoặc không ý thức được giá trị tinh thần của vật dân tộc. Chúng tôi cố gắng hết sức để giúp mọi người. Người Việt Nam ta ngày xưa mạnh mẽ lắm, thường rủ nhau tập dượt võ thuật hay vật; ai có miếng võ nào hay, ngón vật nào độc đáo thì lại truyền dạy cho anh em cùng tập.
Các đô vật được tập cách luyện thể lực cho dai sức, mạnh tay mạnh chân, cách đứng thủ thế nào cho vững chắc, cách “lồng tay tư” sao cho có ưu thế và những bộ pháp như cách di chuyển từng bước chân, khi tới, khi lui, khi bước ngang, bước xéo, xoay vòng...
Họ còn được tập luyện cách té ngã thế nào cho khỏi đập đầu xuống đất, khỏi gẫy tay, tập cách né tránh, thoát hiểm; kể cả những nghi thức có tính cách tôn giáo dành riêng cho mỗi lò vật, như Múa Hoa, Xe Đài hay còn gọi là Ra Giàng, hoặc Múa Hạc.
Vật không phải chỉ cần có sức khỏe, có lực để thắng được đối phương, nó còn đòi hỏi phải có thế, có miếng, có kỹ thuật, có mánh lới, cộng với sự nhanh nhẹn, chính xác của từng đô vật. Do đó, vật có nhiều thế, nhiều miếng, có những miếng đánh trong tư thế bất ngờ, có những miếng đánh trong lúc giằng co, hoặc đánh trong tư thế nằm. Đẹp lắm mà cũng rất hào hùng”.
Bé Hoàng Minh, Trường tiểu học Điện Biên (quận Hoàn Kiếm) cho biết: “Con rất mê các chú đô vật thi đấu. Trong tiếng trống thúc hừng hực, con như hòa mình vào trận đấu. Con cũng rất muốn học vật dân tộc và hiểu biết thêm về sự anh dũng, hào hùng của các ông các cụ; nhưng chưa biết học ở đâu”.