Cách tránh chấn thương khi tập luyện tại nhà
Thời gian gần đây, khi chỉ thị cách ly xã hội có hiệu lực, người dân phải hạn chế ra ngoài nếu không thật sự cần thiết. Với những người ưa vận động thì không được tập ngoài trời là một bất lợi. Tập tại nhà là giải pháp tối ưu nhất lúc này.
Tuy nhiên, tập luyện tại nơi sinh sống cũng đem đến nhiều phiền toái lẫn chấn thương cho người tập. Những vụ việc kiểu cháy đèn chiếu sáng cảm biến hành lang chung cư do có người chạy đi chạy lại hàng trăm vòng, hay hàng xóm gọi công an vì nhà bên cạnh tập nhảy dây uỳnh uỵch cả tiếng đồng hồ… là điều đã từng xảy ra.
Tập luyện trong nhà cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro mà nếu không để ý có thể dẫn đến chấn thương và thiệt hại về vật chất. Những điều sau cần được lưu ý khi tập luyện tại nhà:
Không tập trên các đồ nội thất không được thiết kế chịu lực
Tập thể dục không cần dụng cụ hỗ trợ như tạ, máy tập khác như ở phòng gym… là cách mà nhiều người làm tại nhà. Chỉ cần sức nặng của cơ thể là có thể hoàn thành các bài luyện toàn thân như: chống đẩy, plank, squat…
Tuy nhiên, với những nội thất sẵn có trong nhà như ghế tựa, sofa, bàn làm việc… cũng có thể là những đồ hỗ trợ tập luyện tốt. Nhưng hết sức lưu ý: đây là những đồ không được thiết kế để chịu lực, vì vậy đừng trèo lên hay sử dụng nó để tập luyện quá đà.
Không tập với các cánh cửa, khung cửa sổ
Nhiều người tận dụng cửa ra vào, khung cửa sổ… để mắc các đồ tập luyện hỗ trợ như dây chun kháng lực nhằm luyện cơ tay, cơ ngực.
Tuy nhiên, đó không phải là những đồ được thiết kế chịu lực lớn. Vì thế, rất có thể bạn sẽ bị chấn thương nếu cánh cửa bật ra, đổ vào người… hoặc chịu cảnh “nhà không cửa” chỉ vì tập quá hăng.
Đảm bảo ghế luôn chắc chắn
Ghế là một trong những dụng cụ được sử dụng tập luyện tại nhà nhiều nhất. Bạn có thể dùng ghế cho động tác tập bắp tay sau, tập chân khi bước lên bước xuống… Tuy nhiên, cần đảm bảo ghế được đặt chắc chắn, tránh bị trượt đi trong lúc tập.
Đừng thử các động tác vận động mạnh trong không gian nhỏ
Nếu phòng của bạn của nhỏ thì đừng ham hố thử làm những động tác có biên độ vận động lớn như nhảy kiểu jumping jacks, đá chân sang ngang, vung tạ lên cao… Bởi có rất nhiều phải trả giá bằng việc phải đi mua đồ mới khi đèn trần vỡ, bàn kính lật tung còn chân thì rướm máu…
Không tập khi xung quanh quá nhiều đồ
Nếu bạn đang tập động tác “trồng cây chuối” thì hãy chắc chắn xung quanh bạn không có đồ đạc gì. Bởi khi cố dựng cơ thể lên hai tay thì khả năng ngã sẽ rất cao. Lúc đó, đồ vật trong nhà sẽ thứ khiến bạn bị chấn thương nặng.
Không móc đồ tập lên các mắc áo
Mắc áo thường là những chiếc đinh đóng tạm trên tường, hoặc là những giá mắc không được thiết kế chịu lực… vì thế đừng mắc bất kỳ đồ tập gì lên chúng. Mắc áo nhọn đã từng khiến nhiều người… thủng lỗ trên mặt khi bung ra.